Người đi tìm “gà tiến vua” đất Tổ

ANTĐ - Xưa để lấy được con gái Vua Hùng, Sơn Tinh đã tìm được đủ các sính lễ theo đúng yêu cầu: “Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”. Tưởng như những con vật ấy chỉ có trong truyền thuyết, nhưng hiện thời, có người đã tìm được gà chín cựa và nhân giống kỳ kê ấy.

Người đi tìm “gà tiến vua” đất Tổ ảnh 1Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi

Trong những trang viết mỏng manh, ông ghi từng chữ rõ ràng: “Cựa không dùng để đứng, đi, đậu hoặc để bới tìm thức ăn như ngón mà là để tự vệ, để “trang trí” có tính đặc thù của một giống”.

Từ góp nhặt dân gian

Ông là Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi, nguyên Trưởng bộ môn chăn nuôi của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Về hưu, không cho mình nghỉ ngơi, ông lại dành sức lực cho ngành chăn nuôi tỉnh Phú Thọ khi nhận vị trí đứng đầu hội chăn nuôi của tỉnh này. Hình như, từ khi sinh ra ông đã gắn với những công việc  của người nông dân.

Ngôi nhà nhỏ của ông nằm khiêm tốn trong một con ngõ cũng nhỏ của TP Việt Trì. Ngôi nhà như một viện nghiên cứu thu nhỏ với vô vàn sách vở,  tài liệu liên quan đến chăn nuôi. Trong đó, nổi bật là những bức ảnh về loại gà 9 cựa trong truyền thuyết.

Ông Khôi nói một cách say mê: “Trước đây tôi cũng tưởng loài gà này được dân gian nói quá. Rồi cũng có lúc nghe đồn có người từng tận mắt thấy  gà 9 cựa ở vùng nọ vùng kia. Thậm chí, khi dạy cho sinh viên tôi còn tranh thủ hỏi chuyện xem có ai từng thấy loài gà này hay không”.

Sau rất nhiều những câu chuyện góp nhặt nơi giảng đường, lúc ngồi uống nước vỉa hè hay ở chợ buôn gia cầm, ông Khôi quyết định đi “tầm” cho kỳ được loài gà quý hiếm. Nhưng sau rất nhiều năm lọ mọ, ông cũng chỉ tìm được loài gà có nhiều cựa, chứ không thấy cá thể gà đủ 9 cựa như truyền thuyết.

Năm 2006, khi đang giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ông Khôi thậm chí còn chủ trì một cuộc hội thảo khoa học có sự hiện diện đầy đủ của các giáo sư đầu ngành để định danh cho loài gà nhiều cựa.

Người đi tìm “gà tiến vua” đất Tổ ảnh 2

Xuyên rừng tìm gà quý

Hội thảo vừa mới kết thúc thì ngày hôm sau, ông Khôi đã tiếp tục hành trình săn tìm kỳ kê. Những gian nan vất vả tôi không có cơ hội được cùng ông nếm trải nên không dám nói, nhưng qua câu chuyện ông kể thì mới thấy việc tìm gà 9 cựa chẳng khác nào mò kim đáy bể.

Nghe nói ở Tân Sơn, Phú Thọ có gà nhiều cựa, một mình ông khoác ba lô tìm đến các bản làng xa tít tắp ở các xã như Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng thuộc huyện Tân Sơn. Đến nhà nào, ông Khôi cũng tỉ mẩn hỏi chuyện xem ai có gà nhiều cựa hoặc 9 cựa không. Một ngày, mười ngày rồi cả tháng, đến khi mỏi gối chồn chân, tiền trong túi lại cạn, ông thoáng có ý nghĩ bỏ cuộc.

Nhưng nói một cách văn vẻ, là mỗi lần muốn bỏ cuộc săn tìm kỳ kê thì ông lại thoáng thấy bóng gà ấy chạy qua. Nghe có vẻ liêu trai nhưng ông bảo, nó như một cái duyên nợ vậy. Mình đang đi để trả nợ, trả nợ xong thì sẽ có duyên gặp gà quý. Có trong tay con gà tiến vua đâu phải là dễ, phải trải qua các thử thách ghê gớm lắm.

Thế rồi, trời không phụ người có tâm. Trong một buổi chiều tà khi ông ngang qua bản Cỏi của người Dao, người Mường thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn, một chú gà chạy vụt qua đường. Không nhìn rõ nhưng ông Khôi linh tính đó là con gà có đủ 9 cựa.

Ông vạch lá, rẽ cây đuổi theo bóng dáng kỳ kê. May sao, con gà đến giờ lên chuồng. Chủ nhân của chú kỳ kê này là người Mường, nhà ở bìa rừng. Ông dùng tay nhấc cái cổng cũ kỹ làm từ tre vầu vào nhà. Họ bắt cho ông xem con gà ấy. Ông đếm kỹ, từng cựa, từng cựa cho đến con số 9. Ông mừng muốn khóc.

Tôi không hỏi ông, chú kỳ kê ấy ông mua với giá bao nhiêu? Nhưng có lẽ không quan trọng nữa, vì với ông đó là con gà vô giá. Ông đã bỏ bao nhiêu công sức, thời gian đi tìm thì tiền bạc có nghĩa lý gì.

Nhân giống gà quý

Vốn là chuyên gia trong ngành chăn nuôi nên ông Khôi rành rẽ mấy chuyện nhân giống, bảo tồn giống gà 9 cựa này lắm. Ông bỏ tiền túi ra lập trại, nhân giống rồi thử nghiệm cho đến khi có kết quả chắc chắn. Những con gà nhiều cựa ra đời trong trang trại nhỏ hẹp của ông ở vùng ven ô Việt Trì được mệnh danh là “của độc” trời cho.

Và trong những chú gà ấy, thỉnh thoảng trời lại cho ông một vài con gà có đủ 9 cựa. Kỳ kê màu đỏ tươi, đuôi cong vút, cặp chân to và chắc nịch, bên 5 cựa, bên 4 cựa không đều nhau nhưng tựa nanh hổ, sắc nhọn và cứng như đá. Qua câu chuyện về gà 9 cựa, tôi biết có người đã trả giá gần trăm triệu để có được kỳ kê, nhưng ông nhất quyết không bán.

Như một sự tri ân, ông Khôi thành cầu nối giữa truyền thuyết và hiện thực khi dâng gà 9 cựa tiến cúng Vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ năm 2011. Lần đầu tiên, gà 9 cựa hiển hiện trên ban thờ Hùng Vương. Ai cũng bảo, chuyện cổ tích có thật.

Ông Khôi cho biết: “Có thể nuôi gà nhiều cựa với quy mô sản xuất hàng hóa ở các điều kiện tự nhiên khác điều kiện ở Xuân Sơn. Từ đây xuất hiện, một giống vật nuôi cực kỳ quý hiếm, thậm chí có thể là một giống gà độc nhất vô nhị trên thế giới như nhận định của ông Theodor Bengmann - chuyên gia CHLB Đức”. 

Vậy là sau bao nhiêu năm bị chìm lấp bởi màn sương huyền thoại giữa núi rừng Xuân Sơn, gà 9 cựa đã cất tiếng gáy trong danh mục “nguồn gene vật nuôi quý hiếm cần được bảo tồn”.

Tôi chợt nghĩ, hình như giống kỳ kê 9 cựa khi gặp kỳ nhân mới khoe ra tiếng gáy. Tiếng gáy bước ra từ cổ tích!

“Gà 9 cựa không chỉ là giống vật nuôi cực quý, mà đối với người Việt Nam nó còn trở thành một “linh kê”. Theo nghiên cứu thì hàm lượng chất khô trong thịt, hàm lượng chất đạm, chất hữu cơ, hàm lượng khoáng đều vượt trội so với gà thường. Chỉ tiếc rằng, giống gà quý này chưa được ứng dụng để phát triển rộng rãi”, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi cho biết.