Xuất cảnh lao động trái phép (2)

Người đi nơm nớp, người ở khốn cùng

ANTĐ - Cứ tưởng gia đình có con em đi nước ngoài lao động kinh tế sẽ khá giả nhưng hóa ra còn khốn khó hơn cả những hộ dân ở mức trung bình. Đơn giản vì lao động chính không còn, những người ở lại phải “thế vai” mưu sinh kiếm sống và mòn mỏi đợi tiền từ bên kia biên giới chuyển về. 
Người đi nơm nớp, người ở khốn cùng ảnh 1
Ông Lịch lo lắng vì kinh tế gia đình khó khăn sau khi con cái xuất cảnh trái phép

Sống dưới “địa ngục”

Ngay sau khi vụ việc Nguyễn Văn Cường đưa lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị người dân tố cáo, CAH Ba Vì đã tiến hành rà soát, qua đó phát hiện còn có 69 người dân (gồm 39 nam, 30 nữ) ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) được Triệu Tính (SN 1980, ở thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì) đưa sang Trung Quốc làm việc theo đường tiểu ngạch. Cơ quan chức năng xác định, trong khoảng thời gian từ 19-2 đến 9-3-2013, Triệu Tính đã tổ chức 4 đợt đưa người qua khu vực biên giới giữa Quảng Ninh với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ngoài ra, từ năm 2007 đến năm 2012, Tính và một phụ nữ tên Thúy (SN 1981, ở Bãi Nại, Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã từng đưa nhiều lao động xuất cảnh trái phép sang tỉnh Quảng Đông. Trong số này có 4 người ở xã Ba Vì, hiện đã trở về địa phương.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc người dân lén lút xuất cảnh trái phép đi nước ngoài làm thuê cũng như hoàn cảnh gia đình họ hiện tại, PV đã cố gắng tiếp cận một số lao động vừa về nước và các hộ dân có con em tham gia xuất cảnh trái phép. Tuy nhiên hầu hết người dân đều không hé môi do lo ngại sẽ mất cơ hội được tuyển dụng đi lao động với mức lương cao. Phải nhờ cán bộ địa phương trực tiếp dẫn đường, chuyện trò bằng tiếng Dao, chúng tôi mới thuyết phục được một nam thanh niên kể về cuộc sống nơi đất khách. Theo những gì mà người kể (đề nghị được giấu tên) biết thì Thúy là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc từ trước năm 2007, hiện đã lập gia đình và mở xưởng đóng giày, gò hàn ở tỉnh Quảng Đông. Sau khi giới thiệu, đưa một vài người (trong đó có Triệu Tính) vượt biên, Thúy phối hợp với Tính quay về Việt Nam tuyển dụng lao động là người dân các xã vùng cao sang Trung Quốc làm việc với mức lương 6-8 triệu đồng/tháng. Ngoài số công dân ở xã Ba Vì, trong xưởng sản xuất của Thúy còn có nhiều người ở các tỉnh Bắc Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa… “Bất kỳ lúc nào họ cũng có thể bị cảnh sát kiểm tra, bắt giữ vì thiếu giấy tờ. Tiền giữ trong người thì ai cũng sợ bị trộm cắp, cướp giật nên đành giấu dưới đế dép hoặc chôn xuống sàn nhà” - nam công nhân kể và cho biết, toàn bộ việc ăn ở, sinh hoạt của công nhân diễn ra ngay bên trong xưởng. Thỉnh thoảng họ được gọi điện về quê.

Nhận xét về tình trạng người dân xuất cảnh trái phép, ông Dương Trung Tài – Phó CAX Ba Vì tâm sự, giàu thì chưa thấy đâu nhưng nhiều gia đình có người thân xuất cảnh trái phép bắt đầu rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Nguyên nhân là vì những người được tuyển dụng luôn là lao động chính trong gia đình, thiếu đi những người này, người thân của họ phải chạy ăn từng bữa. Theo vị cán bộ xã, nhiều gia đình có đến 2-3 người cùng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê nhưng cả năm nay chưa gửi về đồng nào. Trường hợp của gia đình ông Dương Đức Lịch (61 tuổi, ở thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì) là ví dụ. Cách đây nửa năm, con trai và con dâu ông Lịch cùng đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc nên gửi lại 3 đứa cháu nhỏ cho ông nội chăm sóc. Số tiền ít ỏi mà các con để lại trước lúc đi xa chẳng đủ tiền thuốc men cho 4 ông cháu lúc trái nắng trở trời. “Nghe nói bên đó bị dịch cúm gia cầm rồi động đất mà thấy thương các con. Nhưng tôi ở nhà cũng khổ sở chẳng kém vì không có tiền, cứ mua chịu đồ ăn thức uống thế này biết lấy tiền đâu mà trả” – ông lão hom hem, hướng mắt ra cửa thở dài.

Người đi nơm nớp, người ở khốn cùng ảnh 2
Dù đã bị bắt vì xuất cảnh trái phép nhưng anh M cho biết vẫn sẽ tiếp tục vượt biên sang Trung Quốc làm thuê

Bài toán chưa có lời giải

Trong vai người đi tìm việc làm, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nằm chênh chếch trên sườn núi của vợ chồng anh chị Dương Văn M, Triệu Thi P. Chưa kịp rót nước mời khách, anh M đã vồn vã thông báo: “Đi làm bên Trung Quốc tuy có xa nhưng vẫn hơn ở nhà chăn lợn, trồng đót. Mình biết chút ít tiếng Trung nên sắp tới hai vợ chồng sẽ tiếp tục sang đóng giày ở chỗ người quen cũ”. Hỏi ra mới biết, cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh M ở nhà nuôi lợn nhưng do dịch bệnh nên thua lỗ hơn chục triệu đồng. Đúng lúc ấy, thấy Triệu Tính tuyển dụng lao động, anh M đã đồng ý cho vợ đi theo. Tuy nhiên do trong 2 tháng đầu mất liên lạc với chị P nên anh M cũng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, đồng thời cũng để tìm vợ. Đến đầu năm 2013, vợ chồng anh M về nước, định bụng sẽ giới thiệu cho bạn bè, họ hàng cùng sang Trung Quốc kiếm việc làm nhưng chuyến đi ngày 28-4 bất thành do bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ…

“Biết là vi phạm pháp luật và nhiều rủi ro nhưng nhiều người dân vẫn có ý định xuất cảnh trái phép vì bụng đói nên đầu gối phải bò” – ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì chua xót và cho biết thêm, chẳng riêng gì người dân lao động mà ngay đến con em cán bộ xã cũng tham gia vượt biên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cả xã có 2000 nhân khẩu nhưng chỉ có 21 ha đất canh tác. Đất ít, nghề phụ không, trong khi giá cả thị trường bấp bênh, dịch bệnh nhiều đã khiến người dân trồng trọt, chăn nuôi thua lỗ. Thấy người tuyển dụng nói về cuộc sống viên mãn khi xuất cảnh trái phép, người nọ lôi kéo người kia lén lút rời quê. Theo ông Liên, để giải quyết tình trạng này là việc vượt quá khả năng của chính quyền xã.