Người đầu tiên ướp xác giống Vua Ai Cập cổ đại

ANTĐ - Một tin tức làm không ít người, đặc biệt trong giới khoa học thế giới sửng sốt khi Alan Billis - một cựu tài xế taxi tại Anh đã tình nguyện hiến xác cho khoa học.

Các thủ tục ướp xác

Quan trọng hơn cả, ông Alan Billis sẽ là người hiện đại đầu tiên trong suốt chiều dài 3.000 năm qua được ướp xác với phương thức giống như như các vị Vua Ai Cập cổ đại. Alan Billis (61 tuổi) ở thành phố Torquay, hạt Devon thuộc Tây Nam nước Anh bị mắc bệnh ung thư đã nhận được sự ủng hộ của vợ là bà Janet (68 tuổi) để  tái thực hiện kỹ thuật ướp xác.

Bà Janet chia sẻ: “Tôi là người phụ nữ duy nhất tại Anh có chồng được ướp xác”. Về phía Alan Billis, trước khi qua đời ông đã tự gọi tên mình là “Tuten-Alan” (Tuten được Alan Billis viết theo tên Tutankhamun, gọi tắt là Vua Tut, là pha-ra-ông của Ai Cập cổ đại) khẳng định: “Trong nhiều năm đã qua, mọi người đã hiến xác cho khoa học. Nhưng nếu không tình nguyện làm bất kỳ điều gì thì thật khó cho sự phát triển”.  

Ông Alan Billis và vợ

Để tiến hành công việc có một không hai này, ông Alan Billis sẽ phải biến thành một xác ướp trong vài tháng, các cơ quan nội tạng của như phổi, ruột… được cắt bỏ, bộ não hoàn toàn được giữ nguyên. Sau đó, kỹ thuật bảo quản mà người Ai Cập đã từng sử dụng đối với Vua Tutankhamun (Triều đại thứ 18, 1334 đến 1325 trước Công nguyên) đã được tiến hành như ướp xác bằng muối và các lớp dầu bảo vệ. Thi thể sau đó được quấn kín trong vải lanh để tránh ánh sáng mặt trời và côn trùng phá hoại.

Mọi quy trình ướp xác Alan Billis được hoàn tất trong 3 tháng. Bà Janet đã tới thăm xác ướp của chồng mình. Mọi công đoạn thực hiện ướp xác ông Alan Billis được Tiến sỹ, nhà hóa học, học giả ĐH York, Hoa Kỳ  Stephen Buckley cùng với Tiến sỹ, nhà khảo cổ học Jo Fletcher thực hiện. “Chúng tôi vô cùng hài lòng với kết quả ướp xác, đặc biệt trong khâu bảo quản bộ não. Alan Billis không khác gì một xác ướp Ai Cập cổ đại” - Tiến sỹ Stephen Buckley chia sẻ. Giới khoa học trên thế giới theo dõi sát sao sự kiện này và tin kết quả sẽ giúp tạo nên sự đột phá trong việc phát triển một chất thay thế Formaldehyde (phoóc-môn) trong bảo quản mô. Xác ướp sẽ được sử dụng để tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật ướp xác và sự phân hủy. 

Xác ướp Rameses III
(Pha-ra-ông thứ nhì của Vương triều thứ XX)
được trưng bày tại Bảo tàng Cairo, Ai Cập

Hiện nay, xác ướp ông Alan Billis đang được lưu giữ tại Trung tâm Medico-Legal ở TP Sheffield, Vương quốc Anh. Ngày 24-10 tới, bộ phim tài liệu “Ướp xác Alan: Bí mật cuối cùng của Ai Cập” kể lại tiến trình ướp xác sẽ được phát sóng trên Kênh Truyền hình Chanel 4.