Người đăng ký không được toàn quyền quyết định tên doanh nghiệp?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp có quyền khởi kiện cơ quan đăng ký kinh doanh nếu không được chấp thuận tên.
Cần gỡ vướng về thủ tục thành lập doanh nghiệp

Cần gỡ vướng về thủ tục thành lập doanh nghiệp

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về đăng ký doanh nghiệp của Bộ KH-ĐT, VCCI cho biết, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo thì “Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền chấp thuận hoặc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”. Quy định này cần được xem xét ở điểm sau:

Việc cơ quan đăng ký kinh doanh chấp thuận hay từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp được xem là hành vi hành chính và có thể bị khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Quy định “quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng” có thể đưa đến cách hiểu, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp không có quyền được khiếu nại hoặc khởi kiện đối với việc từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh và điều này là chưa phù hợp với quy định về pháp luật hành chính.

Vì vậy, VCCI đề nghị ban soạn thảo xem xét bỏ cụm từ “quyết định của Phòng Đăng ký kinh doanh là quyết định cuối cùng”.

Cũng theo VCCI, khoản 3, 4 điều 68 dự thảo quy định trường hợp thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác thì Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời có các biện pháp xử lý tương ứng đối với việc thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

“Quy định này chưa minh bạch ở điểm, việc kết luận được các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh là “không trung thực, không chính xác” và không phải dễ dàng. Đặc biệt, khi cơ quan đăng ký kinh doanh không thẩm định và/hoặc xác minh về tính chính xác, trung thực các thông tin kê khai trong hồ sơ thì kết luận như thế nào?

Hình thức kết luận này và những hệ quả pháp lý sau đó là gì? Sự thiếu minh bạch này có thể khiến nguyên tắc áp dụng giải quyết về đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 4 Dự thảo chưa nhất quán và triệt để”- VCCI nêu ý kiến.

Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất trong quy định, cơ quan này đề nghị ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 3, 4 theo hướng trường hợp có căn cứ thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký thành lập mới, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là không trung thực, không chính xác thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện các hoạt động như quy định tại các khoản này.