Người dân tiết kiệm hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm nhờ nộp lệ phí trước bạ ô tô, xe máy qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Tài chính tính toán việc thực hiện điện tử hóa thủ tục khai, nộp lệ phí trước bạ đối với ô tô, xe máy trên toàn quốc ước tính giúp giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế khoảng 1.020 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay, chính sách thu lệ phí trước bạ (LPTB) hiện đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về LPTB và Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ngày 21/02/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP.

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 140, Bộ Tài chính cho biết, số thu lệ phí trước bạ (LPTB) giai đoạn 2012-2020 bình quân khoảng 24.740 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 2,1% tổng thu NSNN; 2,9% tổng thu nội địa và 4,8% tổng thu NSĐP.

Số thu LPTB cũng tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 16% so năm liền kề. Nếu số thu LPTB năm 2012 chỉ đạt 11.816 tỷ đồng thì đến năm 2019 số thu LPTB tăng lên đạt 40.194 tỷ đồng, tăng 240% so với năm 2012.

Cơ cấu thu LPTB theo các nhóm tài sản cũng tăng đều qua các năm, đặc biệt là số thu LPTB đối với ô tô tăng mạnh, chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số thu LPTB với tỷ trọng bình quân (tính cho giai đoạn 2017-2020) khoảng 73% tổng số thu LPTB.

Số thu LPTB từ nhà, đất chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với sự tăng trưởng ổn định qua các năm, đạt 5.838 tỷ đồng vào năm 2019 (gấp 4 lần năm 2012).

Số thu lệ phí trước bạ ô tô đang chiếm tỷ trọng lớn

Số thu lệ phí trước bạ ô tô đang chiếm tỷ trọng lớn

Sự tăng trưởng mạnh trong số thu LPTB qua các năm, theo Bộ Tài chính ngoài những yếu tố khách quan như sự phát triển kinh tế, tăng trưởng nhu cầu mua sắm và sở hữu tài sản, việc minh bạch và thống nhất hệ thống chính sách LPTB đã góp phần mở rộng cơ sở thu hợp lý, tạo hiệu quả trong việc quản lý thu LPTB.

Riêng năm 2020, số thu LPTB giảm 28% so với năm 2019, chỉ đạt 31.295 tỷ đồng. Trong đó số thu LPTB đối với ô tô là 24.679 tỷ đồng; đối với nhà, đất là 6.403 tỷ đồng.

Nguyên nhân số thu LPTB năm 2020 giảm xuất phát từ những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Đặc biệt, trong năm 2020, nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đối với ngành sản xuất ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, theo đó quy định giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Chính sách đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kích thích nhu cầu mua xe ô tô của các tổ chức, cá nhân, đồng thời góp phần ổn định nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng làm giảm số thu LPTB đối với ô tô riêng trong năm 2020.

Ngay khi Nghị định số 70 hết hiệu lực thi hành, trong 5 tháng đầu năm 2021, số thu LPTB đạt khoảng 13.539 tỷ đồng, tăng gần 32,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng với các chính sách nộp LPTB điện tử với ô tô, xe máy, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai thu LPTB điện tử (từ ngày 12/3/2020 đến ngày 28/6/2021), tại Hà Nội và TP.HCM, số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 23.124 phương tiện (TP.HCM là 7.376 tờ khai; Hà Nội: 15.748 tờ khai); tương ứng với số tiền LPTB đã nộp điện tử là gần 623,3 tỷ đồng (TP.HCM: 77,3 tỷ đồng; Hà Nội: 546 tỷ đồng).

Đối với 61 tỉnh thành phố còn lại, sau gần 11 tháng triển khai (tính từ ngày 01/8/2020 đến ngày 28/6/2021) số lượng giao dịch nộp LPTB điện tử đối với ô tô, xe máy là 248.833 phương tiện (tương ứng với số tiền LPTB đã nộp điện tử hơn 1.651 tỷ đồng) trên tổng số hơn 4,87 triệu lượt giao dịch nộp LPTB ô tô, xe máy.

Bộ Tài chính tính toán việc thực hiện điện tử hóa thủ tục khai, nộp LPTB đối với ô tô, xe máy trên toàn quốc được ước tính giảm chi phí tuân thủ của người nộp thuế là khoảng 1.020 tỷ đồng/năm.