Người dân phải có ý thức phòng chống 'giặc' lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau 2 tháng thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại huyện Thanh Trì, Hà Nội đã cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục triệt để, nhằm giảm thiểu các vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.
CAH Thanh Trì hướng dẫn người dân biện pháp PCCC và sử dụng phương tiện chữa cháy an toàn

CAH Thanh Trì hướng dẫn người dân biện pháp PCCC và sử dụng phương tiện chữa cháy an toàn

Thực trạng cháy, nổ tại khu dân cư và hộ gia đình

Thực hiện Công văn số 3732/CAHN-PC07 ngày 21/5/2021 của Công an Thành phố Hà Nội về việc thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về kết quả thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của Bộ Công an, Công an huyện Thanh Trì triển khai thực hiện rà soát, kiểm tra tuyên truyền an toàn PCCC đến tận cơ sở, khu dân cư. Công an huyện đã tuyên truyền, rà soát, kiểm tra hàng nghìn cơ sở, nhà ở kết hợp kinh doanh và ký cam kết an toàn PCCC, nhằm đảm bảo an toàn PCCC, hạn chế tối đa cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Tuy nhiên, có một thực tế thường xảy ra đó là các loại hình nhà ở hiện nay đều tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nếu như ý thức chủ quan, lơ là của chủ hộ còn hiện hữu và chưa quan tâm thực sự đến công tác phòng ngừa cháy nổ.

Đặc điểm chủ yếu của loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu vực nội thị, xung quanh các chợ, tuyến đường phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép, vải, chăn màn, tạp hóa... Nhà xây dựng hình ống liền kề, không có lối thoát nạn dự phòng, không có giải pháp chống tụ khói.

'Khi xảy ra cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, một trong những vấn đề khó khăn nhất là không có hệ thống thoát khói, việc tiếp cận hiện trường để tổ chức cứu người cũng gặp nhiều trở ngại. Các phương tiện chữa cháy cũng gặp cản trở vì giao thông chật hẹp, kết cấu hầu hết là nhà liền nhau nên việc phá dỡ công trình gặp nhiều khó khăn, nguồn nước chữa cháy tại khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu' - Cán bộ Cảnh sát PCCC và CNCH Công an huyện Thanh Trì chia sẻ.

Ý thức chủ quan là một trong những nguy cơ gây cháy, nổ

Đa phần diện tích các cửa hàng kinh doanh kết hợp nhà ở không lớn, thường tận dụng tối đa diện tích sàn và không gian trong nhà để chứa hàng hóa; các mặt hàng được bày tràn lan dưới sàn nhà, chiếm lối đi lại, thậm chí cầu thang lên xuống cũng được tận dụng để hàng hóa. Nhiều hộ kinh doanh bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Nguy hiểm hơn, hàng hóa còn để cạnh bếp nấu ăn và đây chính là những nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Công an huyện Thanh Trì tuyên truyền PCCC tại khu dân cư

Công an huyện Thanh Trì tuyên truyền PCCC tại khu dân cư

Hơn nữa, hệ thống dây dẫn điện trong những khu vực kinh doanh, sản xuất, kết hợp nơi ở hầu hết không đủ điều kiện phụ tải, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật, không có sự bảo trì, cải tạo hệ thống điện đã xuống cấp và để các chất dễ cháy như quần áo, giấy, vải, bao bì… gần ổ cắm điện.

Theo chỉ huy Công an huyện Thanh Trì, trước đây, khó khăn trong công tác PCCC đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh là do chưa đưa ra được quy định điều chỉnh đối với các đối tượng nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, chưa bắt buộc áp dụng thực hiện. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, thuộc về UBND các cấp. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 thay thế cho Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.

Trong đó, quy định rõ điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các điều kiện quy định và được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện, duy trì thực hiện trong suốt quá trình hoạt động.

Việc phân công trách nhiệm và chỉ rõ vai trò quản lý đến từng cơ sở và người dân phải có nghĩa vụ, trách nhiệm chấp hành công tác an toàn PCCC tại chính gia đình, khu dân cư của mình. Tuy nhiên, sự lơ là trong ý thức chủ quan vẫn đang là hiểm hoạ tiềm ẩn nguy cơ cháy bất cứ lúc nào.

Theo Thiếu tá Nguyễn Tuấn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Thanh Trì, giải pháp khắc phục tồn tại hiện nay để hạn chế tối đa cháy, nổ vẫn là công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Việc tuyên truyền thường xuyên liên tục để người dân coi công tác phòng cháy và kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ là nhiệm vụ không thể thiếu trong gia đình, hộ dân cần xuất phát từ nỗ lực của hai phía, người dân và tuyên truyền viên. Đây là công cuộc bền bỉ mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH duy trì thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, để mong muốn sự an toàn cho người dân.

Cũng theo chỉ huy Công an huyện Thanh Trì, hiện nay công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do lực lượng Công an xã còn mỏng, mặt khác Công an các xã còn thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được phân công phụ trách, phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra trong thời gian này các xã đang thực hiện nhiệm vụ cấp căn cước công dân..., nên chưa có nhiều thời gian để thực hiện công tác này. Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của nhân dân, chủ hộ gia đình còn chưa cao, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy công tác tuyên truyền gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, cần tuyên truyền đến nhiều đối tượng...