Người đàn ông đi guốc mộc

ANTĐ - Mỗi khi nhớ về nhà thơ - họa sĩ Lê Huy Quang, trong tôi hiện lên hình ảnh chiếc sơ mi đỏ đơm rất nhiều khuy do ông tự thiết kế, tay đeo nhiều “nhẫn khủng”, chân đi đôi guốc mộc. Giới văn nghệ ở ta có người cả đời đi xe đạp, có người đi ngủ cũng đội mũ, còn Lê Huy Quang thì gắn với đôi guốc mộc. 

Tranh minh họa của Lê Huy Quang

“Phải khác”

Đó là tên một tập thơ của Lê Huy Quang xuất bản đã lâu. Tôi không nhớ chính xác là cuối năm 2007 hay đầu năm 2008, nhưng nhiều câu thơ ông viết trong tập thì vẫn còn hằn sâu: “Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên/ Nhưng mà phải khác. Mới nên chữ Người…”. Đó chính là mệnh lệnh nghệ thuật ông tự đặt ra cho mình, tự thách thức mình. Bởi ông quan niệm nếu người nghệ sĩ cứ tròn xoe như hòn bi, ai cũng giống ai thì chán lắm. Không có cá tính thì không để lại dấu ấn gì, chỉ để lại những tác phẩm na ná nhau thôi…

Thế nên người ta thấy Lê Huy Quang không chỉ “khác” trong cách ông làm thơ, mà khác trong hội họa, khác trong thiết kế trang trí sân khấu. Nhiều người chỉ nhớ tới một Lê Huy Quang thơ, hay mấy ngàn cái minh họa, nhưng với hơn 300 vở diễn ông đã thiết kế mỹ thuật cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước, mới thấy sức làm việc của ông rất đáng nể. Gắn bó với Nhà hát Tuồng Việt Nam tròn 30 năm, rồi về Tạp chí Sân khấu, Báo Văn nghệ và nay lại trở về “sân 51 Trần Hưng Đạo” với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, lo phần mỹ thuật, minh họa cho tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam…

Nhưng đó là trong công việc. Mà kể chuyện công việc với một người như Lê Huy Quang thì cả ngày vẫn không dứt. Mệnh trời đã quàng lên vai ông quá nhiều tài hoa, bắt ông vừa là thi sĩ vừa là họa sĩ nên việc cứ bám riết lấy ông. 

Lên nhận thưởng cũng không chịu đi giày

Bước vào tuổi thất thập, hàng ngày Lê Huy Quang vẫn rong ruổi trên chiếc xe máy cùng đôi guốc mộc, vẫn tạt chỗ này qua chỗ khác để gặp gỡ bạn bè và trò chuyện dăm câu đôi điều.

Quê ở Thạch Hà - Hà Tĩnh, nhưng Lê Huy Quang lớn lên bên dòng sông Lam, Đô Lương (Nghệ An). Nơi ấy và nhiều vùng quê khác vào những năm khốn khó, đa phần mọi người đều đi guốc mộc. Vì thế đôi guốc thân thuộc với ông từ bé. Với ông, guốc mộc là một nét văn hóa của người Việt, có lẽ không giống với bất kỳ nơi nào trên thế giới. 

Sau này ra Hà Nội lập nghiệp, đôi guốc đầu tiên Lê Huy Quang đi do chính tay nhà thơ Phùng Quán đẽo tặng. Ông kể: “Phùng Quán khéo tay vô cùng. Bất cứ cái gì đó qua tay ông đều thành những đồ vật có ích. Ông đã lấy gốc tre, gỗ ổi đẽo hai đôi guốc. Một đôi Phùng Quán đi. Một đôi tặng tôi. Tôi đã đi đôi guốc mộc đó suốt những năm cuối 1970, đến lúc nó bong ra mới mua đôi khác”…

Có giai thoại rằng, cái đận ông được phong Nghệ sĩ Ưu tú, vì đi guốc mộc mà khiến bị “tuýt” lại không được lên sân khấu đón nhận vinh dự ấy. Kể lại chuyện này, ông cười khà bảo: “Bịa đấy. Làm gì có chuyện đó”. Rồi ông kể, lần ấy Bộ Văn hóa tổ chức phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú ở Nhà hát Chèo Kim Mã. Khi tên mình được xướng lên, Lê Huy Quang lững thững bước lên sân khấu với đôi guốc mộc. Lúc trao bằng, nhạc sĩ, Bộ trưởng Trần Hoàn ghé tai bảo: “Hôm nay mà Lê Huy Quang vẫn đi guốc mộc?”, ông cười mà rằng: “Anh ơi, danh hiệu gì thì em vẫn là một nghệ sĩ thôi mà”…

Lê Huy Quang bảo, ông đi guốc mộc không phải để cho khác người hay cho ra vẻ nghệ sĩ. Đơn giản vì thuận tiện và đó là sở thích của ông. “Nếu phải làm quan chức mà cứ bắt tôi đi giày, comple cà vạt suốt ngày thì chắc chỉ 5 phút là tôi xin “từ quan” thôi”, Lê Huy Quang lại cười khà khà.

Chuyên nghiệp trong từng… centimét

Tôi đặc biệt thích cách làm việc của Lê Huy Quang. Ít nhất là thích cách ông luôn đúng hẹn trong việc nộp minh họa cho trang truyện ngắn. Mỗi khi gửi email cho ông để nhờ vẽ, ít phút sau bao giờ cũng nhận được thư hồi đáp, hoặc sẽ thấy điện thoại ông gọi tới. Có khi là để hỏi cho rõ vẽ màu hay đen trắng, có khi là để dứt khoát: “Mình đang ở Hội An, số này chuyển họa sĩ khác vẽ nhé”.

Ông có thói quen giữ gìn rất cẩn thận những tác phẩm của mình, dù đó là một bài thơ, một bài báo, hay một cái minh họa bé bằng bao diêm. Mỗi khi có báo “đặt hàng” ông thường dặn giữ cho 2 tờ khi phát hành. Hai tờ báo đó, gặp ai ông sẽ tặng ngay một tờ, còn một tờ đến cuối tháng ông sẽ làm cuộc “tổng kết” nho nhỏ: cắt lại tất cả những gì là “của mình”, cho vào kẹp nilon, giữ rất cẩn thận.

Lê Huy Quang cũng là người “chơi web” từ rất sớm, nhưng ông không giống như nhiều người khác. Web của ông đơn thuần là để lưu trữ những gì thuộc về cá nhân. Vào web của ông sẽ nhận ra được chân dung nghệ thuật của ông, một mình ông, với đủ “món”: thơ, tranh, tản văn và những bài viết về nghệ thuật. Ông chỉ đưa lên đó những gì là của mình, không đưa hầm bà làng đủ thứ thập cẩm. “Sức mình có hạn, thời gian cũng có hạn”, ông nói rồi cười. Nhưng tôi biết, với những công việc mà ông tự tạo cho cuộc đời của mình, để giải quyết hết cũng đã là đủ bận rộn rồi. Thời gian đâu để mà lên mạng tranh luận hay “ném” một cái comment nói vui nói buồn về người khác.