Người dân Hy Lạp đổ xô mua đồ giá trị để giữ tiền

ANTĐ - Trước tương lai u ám về gói giải cứu mới, người dân Hy Lạp đang đua nhau sử dụng thẻ ghi nợ để mua lò nướng, tủ lạnh, máy rửa bát - bất kỳ đồ vật gì có thể giữ được giá trị trong thời điểm này để đối phó với khủng hoảng tài chính. 

Cuối ngày 9-7, chính quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras đã chạy đua với thời gian để nộp bản đề xuất cải cách kinh tế đúng hạn, nhằm đổi lấy gói giải cứu mới từ các chủ nợ châu Âu và ngăn chặn thảm họa ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Đến chủ nhật tới, các lãnh đạo thuộc 28 nước thành viên Liên minh châu Âu sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định cuối cùng cho việc có cung cấp cho Hy Lạp gói cứu trợ nào nữa hay không. 

Trong khi đó, người dân Hy Lạp đang vật lộn với nỗi sợ hãi ngày một lớn. Những ngày gần đây, nhiều người Hy Lạp đã đổ xô mua thiết bị, đồ trang sức hay thanh toán trước thuế cá nhân như một cách giữ tiền. Ông Antonis Mouzakis, một kế toán ở thành phố Athens cho biết: “Tôi có một lượng lớn khách hàng muốn đóng thuế ngay bây giờ… Thậm chí, nếu mức thuế là 40-50.000 euro họ cũng đề nghị được trả luôn một lần”.

George Papalexis, Giám đốc cửa hàng Trang sức Zolatas có tiếng ở Hy Lạp cho hay, một khách hàng đã đề nghị mua bộ trang sức trị giá 1,1 triệu euro nhưng ông từ chối bởi cho rằng trong thời điểm bất ổn này, nắm giữ trang sức an toàn hơn là sở hữu các khoản tiền trong ngân hàng Hy Lạp. 

Người dân Hy Lạp đổ xô mua đồ giá trị để giữ tiền ảnh 1

Mua đồ điện tử hay trang sức là xu hướng đang được người Hy Lạp chọn để bảo vệ giá trị tài khoản của mình.

Để bảo vệ tiền của mình, nhiều người Hy Lạp còn tìm những máy rút tiền tự động ATM chưa hết tiền để cố rút tiền mặt. Số khác tìm cách chia tiền vào nhiều tài khoản khác nhau hoặc gửi cho người thân. Hiện người Hy Lạp bị giới hạn rút 60 euro mỗi ngày từ ATM và không được thực hiện giao dịch chuyển khoản quốc tế. 

“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì để chuẩn bị cho tình huống như thế này”, ông Nikos Manisoitis, người điều hành Nikos Manisoitis & Son, một công ty nhập khẩu gia vị và hàng khô hoạt động suốt 95 năm qua cho biết. Ông Manisoitis, cũng là Chủ tịch Hiệp hội Thương nhân Piraeus kể, do lệnh ngừng thanh toán điện tử quốc tế được áp dụng từ hôm 28-6, một số thương nhân đã đưa lên máy bay 60.000 euro tiền mặt để trả cho các đối tác ở Anh, Đức hay các nước châu Âu khác. Hơn 1 tuần qua, lô hàng hạt tiêu đen mà công ty của ông Manisoitis đã nhập từ Việt Nam đang bị phơi trong container ở cảng Piraeus. Mặc dù tài khoản ngân hàng của công ty đủ để trả 150.000 euro giá trị lô hàng nhưng lệnh kiểm soát vốn khiến ông không thể thanh toán cho nhà cung cấp. 

Với một số doanh nghiệp, nhiều công ty lại đang cố thanh toán hết các khoản nợ, bởi các khoản tiền gửi hiện tại của họ có thể bị “nhấn chìm” trong một thỏa thuận giải cứu ngân hàng của Hy Lạp. Họ lo rằng, tình cảnh này sẽ giống như trường hợp đã xảy ra đối với người gửi tiền ngân hàng ở Cyprus khi nước này nhận gói giải cứu năm 2013 với thỏa thuận tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Những người gửi tiền Cyprus có tài khoản hơn 100.000 euro năm đó đã mất đi khoảng 40% số tiền gửi.