Người dân Hà Nội đăng ký tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, ngay từ bây giờ, mọi người có thể đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 theo 2 cách: đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn và đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.
Người dân có thể đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn

Người dân có thể đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội đang có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 diện rộng cho tất cả người dân trong độ tuổi cần tiêm chủng, từ 18-65 tuổi, với tổng số hơn 5,1 triệu liều.

Ngay từ bây giờ, người dân có thể đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 theo 2 cách. Một là, người dân có thể đăng ký theo bản đăng ký giấy tại xã, phường, thị trấn, sau đó cán bộ sẽ nhập các dữ liệu lên "Sổ sức khỏe điện tử"; hai là đăng ký online (trực tuyến) trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc tải ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" cho điện thoại dùng hệ điều hành Android và iOS.

Sau khi xác thực thông tin trên phần mềm, người dân sẽ thấy thông tin về hướng dẫn đăng ký tiêm vaccine.

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng, cơ quan y tế sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký đó để sàng lọc cụ thể từng đối tượng, xem ai tiêm ở đâu. Khi căn cứ vào phiếu đăng ký, tình hình sức khỏe của từng người, sẽ phân loại, có người tiêm ở các điểm tiêm thông thường, có người phải tiêm ở bệnh viện.

Theo quy định, vaccine phòng Covid-19 chỉ tiêm cho đối tượng từ 18-65 tuổi. Tuy nhiên, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng. Những trường hợp này nên lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu.

Tùy vào tình hình sức khỏe của những người trên 65 tuổi sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không. Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khỏe của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng.

Thông tin về phương án triển khai, Giám đốc Sở Y tế cho hay, để bảo đảm giãn cách, tránh xảy ra tình trạng ùn tắc tại điểm tiêm, thành phố sẽ căn cứ vào phiếu đăng ký tiêm chủng của người dân, từ đó xây dựng kế hoạch cho sát với thực tế.

Trước khi triển khai tiêm chủng, cơ quan y tế sẽ gọi từng người, nhắn tin điện thoại mời từng người đến tiêm chủng. Chẳng hạn trong một buổi sáng, dây chuyền tiêm cho khoảng 100 người thì sẽ có từng đó người được gọi. Sau đó, người dân sẽ đến tiêm theo thứ tự được gọi.

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, Hà Nội đã xây dựng phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn với mục tiêu tiêm trên quy mô lớn để phòng ngừa chủ động theo phương châm "tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất", trong đó, mục tiêu an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người (căn cứ theo Nghị quyết số 21/CĐ-CP của Chính phủ), đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vaccine bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời, huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vaccine của Bộ Y tế.

Hà Nội xét nghiệm sàng lọc cho 10.000 người nguy cơ mắc Covid-19

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 229/SYT-NVY gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, xét nghiệm sàng lọc cho đối tượng nguy cơ tại cộng đồng trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể gồm: công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), cư trú trên địa bàn các quận, huyện (lấy mẫu tại cộng đồng) Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh; người làm dịch vụ vận tải, lái xe, phụ xe đường dài, nhân viên bán vé, người làm việc thường xuyên tại một số bến xe lớn của thành phố hoặc lái tàu, nhân viên phục vụ, kiểm soát trên tàu hoặc tại nhà ga; tiểu thương, người thường xuyên làm việc tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; người làm dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp tại các công ty cung cấp dịch vụ bảo vệ. Tổng số được lấy mẫu xét nghiệm là 10.000 người.