Người dân có nên tự mua dụng cụ xét nghiệm nhanh Covid-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Vì lo lắng có thể bị nhiễm SARS- CoV-2, nhiều người dân đang lùng mua dụng cụ xét nghiệm nhanh (test) Covid-19 để tự thực hiện tại nhà. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên mua test thử này.
Người dân không nên mua sản phẩm test Covid-19 nhanh trôi nổi

Người dân không nên mua sản phẩm test Covid-19 nhanh trôi nổi

Đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định hiện hành, bộ test nhanh được quy định là trang thiết bị y tế.

Việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, các chuyên gia cũng khẳng định các bộ test này có độ chính xác khá thấp.

Vì vậy, việc tự mua và sử dụng không chỉ tạo ra nguy cơ về sức khỏe mà kết quả âm tính giả (nếu có) sẽ khiến người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên cả nước, nhu cầu được xét nghiệm của người dân, người tiêu dùng là chính đáng và chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra, tạm giữ hàng nghìn bộ test thử nhanh Covid-19 do không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bán trôi nổi trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Để tránh rủi ro cho người tiêu dùng, đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cho hay, kết quả test nhanh chỉ có giá trị tham khảo.

Test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (ví dụ người nhiễm đang bị sốt, ho), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn.

Như vậy, người sau khi nhiễm (nếu có) từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả cũng chính xác hơn, còn xét nghiệm sau ngày đó kết quả ít chính xác.

Hai là, người dân chỉ nên xét nghiệm khi cần thiết. Người tiêu dùng chỉ nên đi xét nghiệm khi có triệu chứng hoặc có tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của người tiêu dùng, gia tăng nguy cơ cho cộng đồng (do gia tăng việc tiếp xúc) cũng như tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.

Ba là, khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, người tiêu dùng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết).

Bốn là, thực hiện tốt “5K” và các hướng dẫn phòng dịch của các cơ quan quản lý Nhà nước, không vì việc đã được tiêm phòng vaccines hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính mà chủ quan, lơ là phòng bệnh.

Ngoài ra, hiện nay nhiều người cũng tự mua thiết bị y tế có chất lượng thấp, không thể đo các chỉ số sức khỏe hoặc không có hiệu quả trong việc chữa trị triệu chứng của một số bệnh, tuy nhiên, khi người tiêu dùng yêu cầu đổi/trả thì nhà bán hàng không đồng ý.

Đa số người tiêu dùng đã mua các sản phẩm này ở những địa chỉ online không có uy tín, chưa đăng ký. Do đó, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người dân không nên mua sản phẩm y tế, sức khỏe để tránh “tiền mất, tật mang”.