Người dân chưa coi BHYT là “bùa hộ mệnh”

ANTĐ - Sau 4 năm Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực (1-7-2009), tỷ lệ người tham gia BHYT trên cả nước đã tăng từ 60% lên gần 67% dân số, song sự gia tăng này chủ yếu chỉ tập trung vào các nhóm được mở rộng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Với những người khỏe mạnh, thuộc diện tham gia BHYT tự nguyện, đa phần chưa coi chiếc thẻ BHYT là “bùa hộ mệnh”…

Người dân chưa coi BHYT là “bùa hộ mệnh” ảnh 1
Không xác định đóng bảo hiểm y tế là quyền lợi sát sườn,
nhiều người bệnh phải chịu gánh nặng tài chính. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Chỉ người bệnh mới tự nguyện

Ông Lê Bạch Hồng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có trên 60,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ toàn dân khoảng 67%. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng. Năm 2012, quỹ BHYT đã thanh toán trên 121 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền gần 34.000 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, sự gia tăng độ bao phủ BHYT toàn dân chủ yếu đến từ sự gia tăng trong nhóm những đối tượng được nhà nước hỗ trợ toàn bộ phí tham gia BHYT, bao gồm: người có công với cách mạng, cựu chiến binh, người cao tuổi, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi đều đã tham gia 100%. Nhóm người cận nghèo dù đã được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 70% phí tham gia nhưng vẫn không mấy mặn mà, số tham gia chỉ đạt gần 20%. Nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chỉ đạt 25%. Ngay cả nhóm theo quy định phải bắt buộc tham gia BHYT nhưng vẫn trốn tránh, không tham gia đầy đủ, chẳng hạn khối các doanh nghiệp tư nhân tỷ lệ tham gia mới đạt 55%. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân chưa coi BHYT như là “bùa hộ mệnh” của mình mà chỉ khi ốm đau mới tự nguyện tham gia. Thậm chí ngay cả khi có thẻ BHYT, người dân cũng chưa thực sự tin tưởng hoàn toàn vào việc khám chữa bệnh BHYT mà sẵn sàng bỏ tiền túi hoặc chấp nhận mức đồng chi trả cao hơn để được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn. Thực tế này thể hiện ở sự gia tăng mạnh của nhóm khám chữa bệnh dịch vụ, tự nguyện cũng như tình trạng khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến. 

Tồn tại nhiều kẽ hở

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Lê Bạch Hồng cho biết, nhiều quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện chưa hợp lý, chưa khuyến khích người dân tham gia lâu dài, liên tục. Trong thực tiễn triển khai, danh mục thuốc trong khám chữa bệnh BHYT liên tục được mở rộng, tuy nhiên do có quá nhiều tên thương mại của các loại thuốc được sử dụng dẫn đến khó quản lý giá cả và giảm khả năng kiểm soát tình trạng lạm dụng trong chỉ định điều trị. Cùng với đó, cơ chế quản lý giá thuốc chưa hiệu quả, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế còn phân tán, khó kiểm soát. Chẳng hạn, ngay trên địa bàn một tỉnh có hàng chục hội đồng đấu thầu thuốc, dẫn đến có sự chênh lệch lớn về giá của cùng một loại thuốc và thường cao hơn giá thị trường, tạo thêm gánh nặng cho người dân khi ốm đau. 

Đấy là chưa kể tình trạng lạm dụng quỹ BHYT ở các cơ sở khám chữa bệnh vẫn chưa được khắc phục nhiều, đặc biệt là việc chỉ định quá mức các dịch vụ y tế không cần thiết, gây tốn kém cho người dân và quỹ BHYT như: chỉ định quá rộng rãi các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng, các dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hạt nhân… Điều này khiến cho người dân dù có BHYT thì mỗi khi đi khám chữa bệnh vẫn phải chi trả khá tốn kém cho những khoản dịch vụ không được BHYT thanh toán, từ đó không mặn mà với BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam phân tích thêm, một lý do quan trọng khiến số người tham gia BHYT tăng chậm là do chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật về BHYT còn thiếu và chưa đủ mạnh. Chẳng hạn, mức xử phạt vi phạm hành chính với các doanh nghiệp trốn đóng BHYT quá thấp và việc thanh tra để phát hiện các cơ sở vi phạm này cũng chưa được thường xuyên do cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý mà phải thông qua các cơ quan quản lý nhà nước. Hay với các nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, người cận nghèo, luật quy định “có trách nhiệm tham gia BHYT” nhưng lại không có chế tài xử phạt khi họ không tham gia. 

Phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã nêu ra yêu cầu trên tại buổi lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân tham gia BHYT, do BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, chiều 1-7. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, chính sách BHYT là giải pháp đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định đến việc nâng cao khả năng đáp ứng, chăm sóc y tế, khám chữa bệnh cho nhân dân. Ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thực hiện chính sách BHYT giai đoạn 2012-2015 và hướng đến 2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt trên 80%. Muốn đạt được mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ban ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan cần tổ chức tổng kết sau 5 năm thực hiện chính sách Luật BHYT để điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn với diễn biến thực tế. Đặc biệt, phải quan tâm hơn đến những đối tượng người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, những người có thu nhập thấp, lao động tự do. Cùng với đó, phải chú ý nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, mở rộng quyền lợi được hưởng BHYT cho người tham gia, nhất là phải thay đổi thái độ của nhân viên y tế với người bệnh thuộc diện BHYT.