Người dân chưa bằng lòng về đạo đức, cung cách phục vụ của công chức

ANTĐ -  Ngày 25-4, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã có báo cáo Tổng hợp kết quả giám sát điều tra xã hội học, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước năm 2015. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tuy nhiên người dân chưa bằng lòng về đạo đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức...

Người dân chưa bằng lòng về đạo đức, cung cách phục vụ của công chức ảnh 172,9% người dân được hỏi đánh giá tốt về thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân của cơ quan Công an

Một số thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến

Cụ thể trong tổng số 11.873 phiếu khảo sát có 72,9% người dân được hỏi đánh giá tốt về thủ tục cấp Chứng minh thư nhân dân; Thủ tục cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất : 63,1%; Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở: 69,9%; Thủ tục Chứng thực: 70,4%; Thủ tục Kết hôn: 79,9%; Thủ tục cấp giấy Khai sinh: 77,8%...

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã quyết định lựa chọn, tổ chức đã thực hiện các dịch vụ hành chính ở ba nhóm dịch vụ cấp huyện cung ứng (cấp giấy chứng minh nhân dân; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy phép xây dựng nhà ở) và ba nhóm dịch vụ cấp xã cung ứng (chứng thực, cấp giấy khai sinh, cấp giấy đăng ký kết hôn). Phạm vi điều tra xã hội học gồm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: Lai Châu, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Tây Ninh, Cà Mau, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Mỗi tỉnh chọn ba đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi huyện chọn ba đơn vị hành chính cấp xã để điều tra xã hội học. Đối với ba thành phố trực thuộc Trung ương thì mỗi thành phố chọn 5 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi huyện chọn ba đơn vị hành chính cấp xã để điều tra xã hội học…

Để đảm bảo tính khách quan, các phiếu được chọn ngẫu nhiên. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Pháp Luật, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, đã thành lập Tổ công tác giám sát chặt chẽ.

Điều tra viên và Cộng tác viên chủ yếu là cán bộ của MTTQ và Hội Cựu chiến binh quận, huyện, xã, phường, thị trấn đã thể hiện sự khách quan, trung thực trong việc điều tra xã hội học về chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công, phù hợp với nội dung giám sát và phát huy vai trò tích cực của MTTQ, Hội Cựu chiến binh trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Chỉ số hài lòng của người dân là căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức

Xử lý nghiêm cán bộ công chức hách dịch, thờ ơ

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cũng chỉ rõ một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia điều tra xã hội học chưa được chú trọng, nhiều người dân chưa hiểu rõ mục đích, yêu cầu, của việc điều tra; thời gian chuẩn bị của các cơ quan Trung ương khá kỹ và dài, nhưng thời gian thực hiện điều tra xã hội học ở cơ sở quá ngắn và gấp, chưa khoa học dẫn đến khó khăn, lúng túng cho địa phương trong công tác chuẩn bị, cũng như quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, báo cáo nêu rõ, sau khi tổ chức điều tra xã hội học, việc tổng hợp, xử lý số liệu, viết báo cáo khảo sát, xây dựng báo cáo tổng hợp về kết quả khảo sát và công bố chỉ số hài lòng làm quá chậm, phải hoãn đi hoãn lại nhiều lần đã làm giảm ý nghĩa và tác dụng của việc công bố chỉ số hài lòng…

Để chương trình phối hợp xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục là thước đo quan trọng phục vụ đắc lực đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam  đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước quan tâm đầu tư điện tử hóa việc kê khai các thủ tục hành chính nhằm hạn chế việc người dân đến các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính; Tuyên truyền đẩy mạnh hình thức tiếp cận thông tin qua mạng internet cho người dân và khuyến khích, thúc đẩy người dân tiếp cận thông tin qua mạng, tạo điều kiện dễ dàng, nhanh chóng hơn cho người dân khi giải quyết thủ tục hành chính.

Quán triệt việc thi tuyển kết hợp với tuyển chọn cán bộ công chức, chấn chỉnh và xử lý nghiêm cán bộ công chức có thái độ hách dịch, thờ ơ, cửa quyền gây khó dễ cho người dân, hướng dẫn người dân làm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết…