Người đàn bà không tay và điều ước duy nhất cho người chị gái

ANTĐ - Hơn 50 năm qua, người chị ấy không muốn lập gia đình, chỉ kiếm một mụn con rồi cứ ở vậy để lo lắng, chăm sóc cho đứa em gái không tay của mình. Tình cảm gắn bó của 2 chị em ấy đã lan truyền trong những người dân thôn thôn Long Khê (P. Hương Vân, TT. Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) nhiều năm qua như một câu chuyện cổ tích về tình cảm gia đình, tình người lắng sâu và chan chứa yêu thương giữa đời thường…

Nỗi niềm thân phận

Người đàn bà không có đôi tay ấy, vẫn thường đưa ánh mắt buồn rượi vào khoảng không khi chuyện trò với khách. Hỏi sao chị cứ hay nhìn xa xăm suốt vậy? Chị điềm nhiên: “Suốt mấy chục năm nay tôi vẫn nhìn như rứa, nhìn để ngẫm xem đời tôi, đời chị tôi, gia đình tôi sao lại cực khổ, đắng cay như rứa...”. Tên chị là Nguyễn Thị Hành (SN 1963, ở thôn Long Khê, P. Hương Vân, TT. Hương Trà, TT Huế). Vì không có tay, nên chẳng mấy ai gọi chị bằng đúng cái tên cha sinh mẹ đẻ của mình và họ vẫn cứ gọi chị là chị Cụt.

Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, từ khi lọt lòng chị Nguyễn Thị Hành (50 tuổi) đã không có đôi tay như bao người khác. Đã vậy, năm lên 7 tuổi, vầng trán cao tóc mây kia lại đội tang cha, 12 năm sau lại đội thêm tang mẹ. Đáng trách thay tạo hóa quá trớ trêu, nhẫn tâm đối với người đàn bà hiền hậu đến thế. Mẹ mất, anh trai đầu lại đi làm xa, thế rồi Hành cùng chị gái Nguyễn Thị Màng (57 tuổi) côi cút trong mái nhà tranh vách nứa xiêu vẹo. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào món tiền nhỏ nhoi đi làm thuê, làm mướn được của chị Màng. Chị Hành kể chuyện với tôi nhưng ánh mắt vẫn buông đi đâu: “Lúc lọt lòng tôi đã không có đôi tay như người khác, tôi tủi thân vô cùng. Thương nhất là mạ (mẹ) tôi, nhớ lại lúc trước cứ mỗi đêm mạ lại ôm tôi thật chặt vào lòng, rồi khóc nức nở. Tôi còn thức nhưng lại giả vờ ngủ và cố nén nước mắt vào lòng. Hôm mạ đau, mạ nói mạ chết đi rồi không có ai nuôi con gái hết. Con tha lỗi cho mạ nghe con! Rồi 2 hôm sau mạ tôi mất!”.

Nói đến đó, nước mắt bỗng lăn dài trên đôi má sạm màu của chị Hành. Tôi thấy hối hận vì đã bắt chị phải lục lại mớ kỷ niệm buồn. Đưa tay gạt vội dòng nước mắt chị bảo: “Nhưng đời tôi cũng còn may mắn vì đã có người chị quá tuyệt vời. Hồi đó, biết bao trai tráng, thanh niên trong làng đến dạm hỏi chị tôi, nhưng chị chối phắt. Bởi chị tôi nghĩ, chị lấy chồng rồi lấy ai chăm sóc nuôi nấng thân tật nguyền như tôi. Thế là chị tôi ở vậy đến bây giờ. Cả một đời chị phải khổ vì đứa em như tôi. Đời tôi chịu ơn chị nhiều lắm…!”. Nói đến đây chị Hành khóc nấc lên, không thể tiếp tục câu chuyện được nữa. chị Màng thấy đứa em mình nói như vậy cũng khóc, rồi hai chị em ôm nhau cùng khóc. Chị Màng mắt rơm rớm: “Chị em ruột thịt, răng em lại nói ơn với nghĩa. Đó là bổn phận của chị. Thiên hạ vào trường hợp ni ai cũng làm như chị cả, em đừng phiền lòng mà bệnh em ơi!”.

Chị Hành kể lại, hồi nhỏ hàng ngày, mọi công việc trong gia đình như, giặt giũ, quét nhà, đun nước... chị đều giành làm bằng đôi chân của mình. Để tập ăn, tập làm việc nhà đôi chân của chị đã không biết bao lần ứa máu, xây xước. Có những lúc chị Màng không cho em tập nữa vì quá thương em, không nỡ để em mình phải chịu đau. “Sợ bị chị la rầy, tôi quyết không khóc dù bật máu và tự nhủ rằng mình phải làm được gì đó bằng đôi chân của chính mình!”.

Không có đôi tay nhưng hàng ngày, chị Hành vẫn làm nghề sàng gạo. Hàng xóm láng giềng thương người phụ nữ tật nguyền nhưng chịu thương chịu khó nên cũng thường mang gạo qua cho chị làm giúp. Khách của chị ngày càng đông. Có người đem gạo tới sàng cũng chỉ vì khâm phục, muốn tận mắt chứng kiến đôi chân khéo léo của chị Hành làm công việc mà người bình thường phải có cả hai tay khéo léo mới làm được. Mỗi ngày, chị kiếm được 20.000 - 30.000 đồng từ công việc sàng gạo thuê, nhưng cũng có hôm không được đồng nào vì sức khỏe yếu nên không sàng gạo được. Những công việc nhà như quét dọn, may vá, chị cũng làm thành thạo không kém người lành lặn. Chị Hành còn viết được bằng chân và đọc suôn sẻ các chữ viết trước những cặp mắt khâm phục của chúng tôi. Chị Hành bảo năm 12 tuổi chị có tham gia học lớp học xóa mù chữ ở làng bên cạnh. Nên các mặt chữ đến bây giờ chị còn nhớ hết thảy. Hồi ấy chị chỉ dám lén lút đứng ngoài cửa sổ nhìn người ta học. Thương cô bé kém may mắn, các thầy cô đã thay nhau đến tận nhà dạy chữ cho chị.  Sau 2 năm trời ròng rã, vật lộn với con chữ chị cũng viết được bằng đôi chân của mình, có những khi bạn bè còn nhờ chị chép bài vì chữ chị đẹp. Ở nhà một mình buồn, nên mọi sách báo có trong nhà chị đều đọc hết. Chị cười: “Đọc cho đỡ buồn thôi em à! Nhưng chính vì thế chị mới biết được nhiều điều hơn!”.  

Điều ước duy nhất

“Trước lúc mất 5 hôm, mạ cứ kêu tui lại dặn tới, dặn lui với tui rằng mai sau mạ chết, con ráng nuôi em giùm mạ kẻo tội. Em con như rứa, chắc đời hắn sau ni cực rồi. Đừng hắt hủi, bỏ em mà tội!”. Lời dặn dò của người mẹ quá cố năm nao vẫn còn đọng lại trong tim chị Nguyễn Thị Màng, chị kể lại mà như đang nghe người mẹ của chị nhắc nhở bên tai hôm nào vậy. Không lấy chồng, Chị Màng ở vậy nuôi em gái tật nguyền của mình. Lúc nào cũng vậy, chị Màng tất bật lo lắng mọi việc trong gia đình, đôi lúc tủi thân vì mình vẫn lẻ loi chiếc bóng, nhưng chị vẫn tâm nguyện một điều phải chăm sóc đứa em tội nghiệp của mình. Nén chặt nỗi buồn vào lòng, chị Màng lặng lẽ như một chiếc bóng, ngày ngày làm lụng. Hàng xóm khuyên can mãi, đến tận năm 32 tuổi chị mới nghĩ đến chuyện kiếm một đứa con để nương cậy tuổi già. Thế là cuối cùng chị cũng có một cậu con trai bụ bẫm. Thoáng đó mà đã 26 tuổi đầu, Nguyễn Trường Rinh, con trai chị Màng đến giờ vẫn chưa biết mặt bố mình là ai. Có lẽ chị Màng cố giấu con, nên khi Rinh hỏi chị thường bảo rằng cha con đã mất rất lâu rồi! Biết con buồn nhưng chị cũng chẳng thể làm gì hơn.

Để kiếm tiền nuôi em gái và con của mình, trước kia chị Màng phải ngược xuôi làm thuê dành dụm từng đồng cơm cháo qua ngày. Nhưng nay, sức khỏe của chị kém hẳn nên không làm thuê được nữa. Đáng buồn thay, chị lại mắc bệnh bướu độc Basedon đã mười mấy năm nay, vì không có tiền nên không chữa trị lành được. Bệnh tình cứ ngày một nặng thêm, một tháng thường chị trở bệnh 1 đến 2 lần. Vì thế nên bao nhiêu tiền gom góp được bấy lâu lại vét sạch để lên bệnh viện khám và mua thuốc men. Cậu con trai đang học lớp 10 đành ngắt quãng giữa chừng để kiếm tiền nuôi mẹ và khoản tiền nợ bây giờ đã 10 triệu đồng, không biết khi nào gia đình chị mới trả được. Trong khi đó, cả nhà chị chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng nước, vụ được vụ mất và khoản tiền trợ cấp của chị Hành. Chị Hành tâm sự: “Nhìn thấy chị đau ốm rứa, mà phải nai lưng ra làm lụng suốt ngày. Tôi xót quá. Trời đã bất công đối với tôi rồi, tôi chỉ mong, chỉ ước rằng chị Màng được được khỏi bệnh. Nếu điều ước duy nhất ấy thành hiện thực thì tôi có chết cũng vui lắm rồi!”. Chia sẻ về hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hành, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch phường Hương Vân cho biết: “Nhà chị Hành là một trong những hộ nghèo nhất của phường. Chị ấy không được may mắn như người bình thường, nhưng chỉ với đôi chân của mình chị đã làm được rất nhiều việc có ích. Đó quả thật là một nghị lực phi thường khiến nhiều người phải nể phục”.

Trong ngôi nhà xập xệ, chị Hành và người chị gái vẫn sống nương tựa vào nhau. Câu chuyện về cuộc đời 2 chị em người phụ nữ này, về những việc thầm lặng của người chị, về mơ ước giản dị của người em đã làm nên một chuyện cổ tích giữa đời thường về tình thương yêu ruột thịt, điều mà cuộc sống này người ta đang gần như lãng quên.