Nhà thơ Bình Nguyên Trang

“Người đàn bà đến từ cơn bão đêm”

ANTĐ - Có lẽ, cũng phải đến gần 10 năm rồi, tên tuổi Bình Nguyên Trang ít được nhắc đến trên các diễn đàn thơ. Nhiều người quen của chị đã nghĩ, những chuyến công tác dài ngày, áp lực bài vở của nghề báo đã đẩy chị ra khỏi mối duyên thơ. Nhưng không, sự ra đời của tập thơ mới nhất “Những bông hoa đang thiền” - NXB Hội Nhà văn 2012 như một câu trả lời cho mối duyên tình chung thủy ấy. 

Tập thơ mới phát hành “Những bông hoa đang thiền”

Bình Nguyên Trang đến với thơ từ khi còn rất nhỏ, chị được thừa hưởng cái gene di truyền từ cha. Lúc Trang tập tọng làm thơ thì cũng là lúc trong gia đình chia ra làm 2 “phe”, cha chị ủng hộ con gái, muốn vun vén tài năng mới chớm cho con, còn mẹ chị thì tuyệt đối cấm. Đơn giản, bà sợ con mình sẽ khổ. 10 tuổi, cô bé Trang (tên thật là Vũ Thị Quỳnh Trang) đã phải xa gia đình, lên thành phố Nam Định học trường chuyên. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chị phải sớm tự lập, tự nấu ăn, tự giặt quần áo, tự chăm lo thuốc thang cho mình khi đau ốm. Nhiều tối Trang ôm gối khóc ròng vì nhớ mẹ… Và chính những lúc cô đơn chị làm thơ, coi thơ như một người bạn, có thể chia sẻ cùng mọi vui buồn, mọi ẩn ức. Ở đó những câu thơ “Năm ấy mẹ sinh em mùa đói/ Tháng ba nhọc nhằn hoa gạo rụng hố vôi” hay “Em một mình lặn lội với thơ/ Mười tám tuổi không về quê như chị/ Mẹ ướt mắt khuyên đừng tập làm thi sĩ/ Bạc muôn chừng thân gái con ơi”… đã ra đời.

Hơn chục năm trước, Bình Nguyên Trang được biết đến như một trong những gương mặt nổi bật của Hội bút “Hương đầu mùa”. Chị viết nhiều các báo dành cho tuổi trẻ như: Hoa học trò, Áo trắng, Tuổi xanh, Mực tím, Sinh viên… và ung dung sống bằng tiền nhuận bút, không cần đến viện trợ của gia đình. Những năm tháng sống xa nhà cũng chính là thời kỳ bắt đầu cuộc sống “du mục”, liên tục chuyển từ nhà trọ này sang nhà trọ khác. Bản thảo của những bài thơ thời “Hương đầu mùa” thất lạc trong những lần di chuyển đó. Nhưng xem ra chị là người may mắn. May mắn vì thơ chị lưu lại trong nhiều trang lưu bút của học trò. Thơ của chị được chính bạn đọc giữ gìn và yêu quý. Giờ muốn tìm lại thơ, chị chỉ cần lên mạng.

Cứ theo cái vẻ bề ngoài mà xét thì chị chắc phải là một người đàn bà hạnh phúc và viên mãn. Hạnh phúc ấy thể hiện trên khuôn mặt lúc nào cũng tươi rói, trên nụ cười “vô lo” của chị. Nhưng nếu lấy “nhân tướng học” mà soi chiếu vào trường hợp của Bình Nguyên Trang e là nhầm. Không ít người đã hỏi Bình Nguyên Trang, rằng tươi thế thì đau khổ ở đâu, thơ phú ở đâu… Chị đáp lại  bằng một nụ cười tươi không kém. Nhưng có điều không nhiều người biết rằng, đằng sau  nụ cười vô lo ấy là rất nhiều trăn trở không dễ gì chia sẻ được. Nói theo kiểu của Bình Nguyên Trang thì “trong héo ngoài tươi”, còn nói theo cách của tôi, thì Bình Nguyên Trang là một nhà thơ tỉnh táo.

Người đời thường bảo “Nàng Thơ” đẹp, quyến rũ nhưng cũng rất “ác”. Có những người khi đã trót “vướng” vào “nàng”, thường bị “nàng” mê hoặc đến mức ảo tưởng. Sự ảo tưởng đó đã “hủy hoại” không ít người trót say mê thơ. Cũng say thơ đến đắm đuối đấy, nhưng Bình Nguyên Trang dường như cũng đủ tỉnh táo để lách khỏi sự mê hoặc, ảo tưởng kia, đồng thời cũng đủ khôn ngoan để giữ lại cho mình phần lãng mạn. Suốt từ năm 2003, khi tập thơ “Chỉ em và chiếc bình pha lê biết” ra đời, phải mất 8 năm sau, chị mới xuất bản tập thơ thứ 3 - “Những bông hoa đang thiền”. Kể ra so với bạn văn cùng trang lứa, “vận tốc” in thơ của chị có phần chậm chạp. Không hẳn là nghề báo đã lấy đi mọi suy nghĩ và sức lực của chị, mà là chị ngại chia sẻ những bài thơ mới của mình. Chị vẫn sáng tác trong những lúc buồn, những lúc cô đơn không biết trò chuyện cùng ai. Dăm bận, chị cũng định in sách, rồi lại hoài nghi, liệu mình có vội vàng không, liệu những câu thơ mình viết có ai đọc và đồng cảm chăng? Có giai đoạn chị hoài nghi chính mình, hoài nghi việc làm thơ, viết văn, và đã có lần “Rất thật lòng tôi muốn ruồng bỏ tôi/ Ruồng bỏ những vui buồn như trái táo/ Im lặng đợi xanh trong góc một khu vườn”.

Bình Nguyên Trang của ngày hôm nay đã khác, không còn: “Em chẳng biết vì sao em yêu anh/ Dù bao năm/ Chiếc bình hoa của em không có hoa hồng anh đến cắm/ Dù những lần chúng ta gặp gỡ/ Tính bằng tháng bằng năm”, mà chị đã học được cách bằng lòng với cuộc sống của mình. Chị đã ngộ ra rằng, cuộc sống không thể tuyệt đối, mọi thứ đều tương đối. Và khi mình chấp nhận và yêu được cái điều tương đối đó, thì ít nhiều mình đã hạnh phúc rồi. Đã bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn, phớt đời hơn, không còn phải mất quá nhiều thời gian để ngồi nhìn ngắm những vết thương do tình yêu để lại: “Anh ngàn năm/ không tới/ em - loài hoa rất buồn/ thản nhiên xanh”. 

Nhưng ở một góc nào đó của tâm hồn, vùng ký ức đẹp của những năm tháng tuổi trẻ trong thơ chị vẫn còn mãi. Đó là mùi khói bếp, rơm rạ, là những ngày tháng 3 mưa phùn. Và trong cái tiết trời ảm đạm ấy, vẫn ánh lên sắc đỏ của hoa gạo, những bông gạo đỏ rơi trên hố vôi vừa tôi trắng xóa, hình ảnh của bà, của mẹ, của chị… lam lũ trên cánh đồng mùa gặt…

Trải nghiệm và thành danh nơi thành thị nhưng những lúc ngột ngạt, áp lực và cô đơn, Bình Nguyên Trang vẫn muốn được quay trở về vùng ký ức đẹp ấy. Bởi trong tim chị, miền quê nghèo Hải Hậu - Nam Định luôn là chốn bình yên.