Huyền tích Tây hồ (7):

Người đàn bà 17 năm cặm cụi mò “tiền” dưới đáy hồ Tây

ANTĐ - “Long vương hà bá cũng đều phải có lãnh địa riêng của nó, đằng này mình ở mãi ngoại tỉnh đến mưu sinh, muốn mò con cua, con ốc cũng phải có “luật” riêng của hồ đấy”.
Người đàn bà cứ thủng thẳng nói dưới tiếng nước vỗ ì oạp vào bờ. Thỉnh thoảng nhổ nước từ miệng ra phì phì rồi lại kéo khăn bịt mặt làm tiếp. Hỏi tên thì chị bảo tên “gái” rồi chị lại gặng ngược, chú hỏi làm gì mà kỹ thế? Gớm, mò ốc, bắt trai mà sao nhiều người quan tâm thế...

"Núp" đội canh cá hồ Tây

Ngâm nước càng lâu, càng có nhiều tiền

Hỏi đi hỏi lại nhưng người đàn bà chỉ cười. Cánh tay thoăn thoắt, chị dìm mình cho đến khi nước mấp mé mũi rồi mới lại nhô lên bỏ trai vào cái thùng xốp nổi lềnh bềnh sau lưng. Câu chuyện xôm dần lên, nhưng khoảng cách giữa bờ và chị cũng xa dần, cho đến khi người trên và người dưới nước nói chuyện với nhau như... quát tháo ai đó. 
Chị thuê ở trọ hay sáng đi tối về? “Nhà tôi mãi Hải Hưng (Hưng Yên) cơ, thuê trọ chứ sáng đi tối về có mà chết à”- người đàn bà đáp chuyện chới với từ mặt nước xa vào bờ. Ngại thì ngại nhưng giọng nói của người đàn bà vẫn có cái thực thà, chất phác. “Hôm cũng có người chụp ảnh tôi, nhưng tôi xấu hổ úp nón kín mặt cho đến khi ông ta đi. Hôm rồi về nhà nói chuyện với thằng con giai cả, nó bảo mẹ làm gì phải ngại, mình không làm điều xấu thì không phải ngại...”- chị “gái” kể.

Mãi đến lúc lên bờ đổ trai, hến vào bao tải, chị mới bảo, hôm nào ở đây chẳng có hàng chục bà mò cua bắt ốc. Mai chú thích đến mà chụp. Còn chị xấu lắm, ngâm nước nhăn nhúm mặt mày, trông bượt bạt khác gì cái xác chết trôi đâu mà chụp cho xấu... máy ảnh đi. Tôi xuê xoa trong câu chuyện, rồi cuối cùng chị cũng nói tên thật: “Tôi là Huế”. Chị Huế trọ ở địa bàn phường Tứ Liên. "Chị làm nghề này lâu chưa?" “Ôi dào, nghề ngỗng gì đâu, mò cua bắt ốc kiếm ăn thôi. Nghề của tôi là làm ruộng, còn việc này chỉ hết mùa màng mới làm kiếm sống thôi”- chị Huế nói.

Hồ rộng mênh mông, phận người nhỏ bé thế mà lội bộ khắp nơi

Thực ra ở cái mặt nước mênh mông của hồ Tây nó cũng hội tụ đủ nghề, đủ người và muôn câu chuyện về cuộc sống. Thượng vàng hạ cám của nghề đều có trên cái mặt nước mênh mông ấy. Câu cá thì cũng là nghề nhưng được gọi là thú chơi. Kinh doanh nhà hàng, khách sạn cũng là nghề nhưng được cho là sang trọng.

Nhưng duy chỉ nghề mò cua, mò trai lại được nhiều người chú ý. Có lẽ nghề này làm người ta xúc động lòng bởi những thân cò ngụp lặn dưới nước thời gian nhiều hơn ở trên bờ thì phải. Lạ thay, không ai giới thiệu về hồ Tây nhiều cua, ốc nhưng người ở tỉnh lân cận tìm về đây mưu sinh mùa này qua mùa khác. Từ một người làm, ngày tháng trôi qua thành ra nhiều người biết đến, rồi dần trở thành việc làm thường xuyên của người nghèo lúc nào không hay. Nghề mò cua bắt ốc cũng ra từ ấy.

Mùa đông lạnh cũng như trưa hè người luôn đẫm ướt nước... hồ Tây

"Cứ thích là xuống mò, vùng vẫy thoải mái hả chị?" “Long vương hà bá cũng phải có luồng nước riêng, huống hồ mình là người dân nơi xa thích sao được chú ơi!”- chị Huế mập mờ. Cái ý câu nói của chị bỏ lửng, nhưng vẫn chứa hơi có chút tò mò cho người nghe. Dò hỏi mãi mấy anh buông câu nơi gần chị thường để chiếc xe đạp cà tàng thì được trả lời: “Phải xé vé 2 xịch (20 nghìn đồng) đấy, không thì còn lâu mới yên nhé!”. Thực hư thì nhiều người quanh hồ biết rất rõ, nhưng mấy chị thật thà chất phác kia chỉ dám nói bóng nói gió, chứ sao dám bộc bạch ra được.

Hồ Tây như chiếc... nồi Thạch Sanh?

Bắt đầu từ 5 giờ sáng, những người “dẫm” trai xuất phát từ nơi trọ đến hồ Tây. Họ dầm mình dưới nước ít nhất là 8 tiếng mỗi ngày, tùy thuộc vào hôm nào được nhiều thì lên bờ sớm hơn. Dụng cụ bảo hộ duy nhất là chiếc áo mưa giấy. “Mặc áo mưa để bùn đỡ bám vào quần áo thôi, chứ tránh ướt sao được”- chị Huế bộc bạch. Hàng ngày, “ra khơi” đều đặn, trừ hôm nào mưa to hoặc lạnh quá mới không xuống nước. Nước hồ Tây thì đâu có như nước sông, nước suối, lội xuống tý là ngứa mẩn người. Đôi bàn tay chị nào, chị ấy là nhăn nhúm bợt bạt.

“Không thế thì làm sao có tiền được. Mỗi ngày chịu khó cũng được trăm rưởi đến hai trăm chú ạ. Ngâm lâu thì nhiều tiền, lên bờ sớm thì ít tiền. Nhưng nói chung sức có hạn, không ai ngâm lâu hơn được đâu. Có lần tôi ngâm nước lâu quá mà mủm cả thịt chân, tay đấy...”- chị Huế xòe đôi bàn tay bệch bạc, từng đầu ngón tay như nhúm táo tầu ngâm muối lâu ngày, nói. Âu nó cũng là cái nghiệp!. Nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng. "Sinh nghề tử nghiệp" là vậy. Giữa trưa nắng chang chang, người ngồi mát còn chịu hết nổi, vậy mà các chị cứ lầm lũi như những thân cò, thân vạc kiếm sống giữa nắng gắt, đông lạnh rụng tai. Mùa đông lạnh co ro, ai cũng sợ nước như sợ... cọp, vậy mà các chị vẫn ra hồ ngụp lặn để cốt mong sao kiếm được mớ trai, mớ hến.

Mưu sinh cuộc sống khiến héo hon cả đôi bàn tay

Người nghèo thì đâu kiếm sống được là họ tìm đến. Hồ Tây như vòng luân hồi của những kiếp mưu sinh trên mặt nước. Những người phụ nữ chuyên mò cua, bắt ốc giờ tự thân nó đã gắn cho họ một nghề có tên thực thụ. Nghề mò trai, bắt ốc. Từ nghề phụ, giờ mò cua bắt ốc trở thành nguồn thu nhập chính cho cuộc sống gia đình ở quê. Những bữa cơm hàng ngày của các con chị, là những ngày dầm mình dưới nước để khua bùn tìm trai. Vất vả, nhưng lao động để có cái ăn cũng là hạnh phúc nhất đối với các chị.

Cái nghề tự phát ấy nó có tên là cũng phải nhờ vào những khúc sông, mảnh ao, hồ, và hơn nữa nó cũng phải cảm ơn những con người nghèo khó ấy. Những thân cò lặn lội như những người đàn bà mò cua, bắt trai kia thì mới làm phong phú thêm được cái văn hóa ẩm thực dân giã đậm đà đồng quê. Chị Huế biết đến hồ Tây từ cách đây 17 năm. Và cũng ngần ấy thời gian chị mưu sinh bằng nghề phụ ngâm mình dưới nước hồ Tây để mò cua bắt ốc nuôi nấng con cái học hành.

Mỗi ký trai, ốc, hến cũng bán được 15 nghìn đồng

Hồ Tây sao nhiều tôm cá, hến trai... đến vậy? Thực ra, hồ hay sông... không đâu có thể có nhiều thứ mãi mãi được, nhất là tôm cá lại càng không thể. Ít người biết được, sự tồn tại của những hình ảnh mò cua, bắt trai trên hồ Tây lâu nay cũng phải kể đến phần lớn vào việc hướng thiện của những nhà chùa tọa lạc lân cận hồ Tây, còn việc sinh sản tự nhiên cũng chỉ một phần nào đó.

Vào ngày rằm mồng 1 hay ngày lễ của gia đình ở khắp nơi họ đều chọn việc phóng sinh tôm cá xuống hồ Tây là điều cần thiết. Những việc làm này đã làm cho tôm cá, trai hến... ở hồ Tây có sự hồi sinh nhanh chóng. Có thể nói, hồ Tây là nơi sinh trưởng rất tốt cho trai ốc, tôm cá... thế nhưng cũng như sự giới hạn của thiên nhiên, hồ Tây không phải giống như cái nồi của ông Thạch Sanh trong truyện cổ tích. Bởi thiên nhiên thì hữu hạn, mà nhu cầu, lòng tham của con người thì vô hạn, như thùng không đáy.

Đón đọc bài 8: Cứu “Nàng Tây thi” của Hà Nội, muộn còn hơn không