Người đã từng đi tù thay cho 172 vụ án hình sự với 48 năm tù

ANTĐ - Ở Trung Quốc, những can phạm là dân nhà giàu có thể bỏ tiền ra thuê người ở tù thay. Còn những “diễn viên đóng thế” phần lớn là những người nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định, hay các thành phần bất hảo trong xã hội. Đã từng có người ở tù thay cho 172 vụ án hình sự khác nhau, với tổng số án tù là 48 năm.
Người đã từng đi tù thay cho 172 vụ án hình sự với 48 năm tù ảnh 1
Hu Bin (phải) và người đứng thay thế tại tòa án


Nghề độc nhất vô nhị - thích đi tù

Theo một số nguồn tin đáng tin cậy, hiện có thể có hàng nghìn tù nhân đang thụ án tù ở Trung Quốc vì những tội họ không hề vi phạm, đơn giản vì họ muốn có tiền. Họ là ai trong xã hội? Phần lớn đó là những người nghèo khó, không có công ăn việc làm ổn định, hay các thành phần bất hảo trong xã hội. Các “diễn viên đóng thế” sau khi mãn án có thể sống một cuộc sống khá giả hơn trước. 

Câu chuyện của Guo Ronghui, 25 tuổi, một gã nghiện ma túy nghèo, nhưng lại nổi tiếng với vai trò một “diễn viên đóng thế” là minh chứng điển hình. Khi ở tuổi vị thành niên, gã ta bị bắt vì những tội vặt. Nhưng thật may cho Guo, dựa vào hồ sơ bệnh án bị bệnh bạch cầu mà gã được “xét tha vì tính nhân đạo”. Gã đã ranh mãnh khai thác lỗ hổng này để thực hiện những lần “trao đổi hiệu quả”. Guo Ronghui đã ở tù thay trong 172 vụ án hình sự khác nhau, bị tuyên án tù nhiều lần (chủ yếu là tàng trữ vũ khí, ma túy) và tổng số án tù tuyên là hơn 48 năm, nhưng gã chưa phải ở tù ngày nào!

Mỗi một phi vụ trao đổi, Guo tính công từ 5.000 - 7.000 bảng. Trong một vài trường hợp khi cuộc “mua bán” đã thuận buồm xuôi gió, nhiều kẻ đã “chạy mất dép”, nhưng chí ít gã cũng đúi túi được số tiền đặt cọc, đủ để gã hút hít trong vài tuần. Người ta ước tính, Guo có thể đã hưởng được hơn 60.000 bảng cho “thành tích làm dê tế thần”, hoặc nhận ma túy thay tiền thù lao. Năm 2007, khi bị lấy lời khai vì vi phạm lệnh tha, Guo thú nhận với công an rằng gã đã “đóng thế” thâm niên được hơn 10 năm. 

Thực ra việc sử dụng người thay thế cho bị cáo trong các vụ án ở Trung Quốc không phải là chuyện lạ. Loại “công việc” này đã manh nha từ hàng trăm năm, nhưng nó thực sự trở thành một thực trạng nhức nhối thời gian gần đây.

Năm 2009, công tử nhà giàu Hu Bin (20 tuổi) cưỡi chiếc Mitsubishi cùng nhóm bạn đua xe hơi trên các đường phố Hàng Châu. Với tốc độ điên loạn, Hu đã đâm chết một người đi bộ (một kỹ sư viễn thông 25 tuổi) khiến nạn nhân bị văng ra xa đến hơn 18 mét. Người dân phẫn nộ khi chứng khiến cảnh Hu cùng nhóm bạn nhà giàu nghênh ngang hút thuốc lá, cười đùa khi chờ cảnh sát đến hiện trường. Sự phẫn nộ càng tăng cao khi sau này người ta biết Hu thuê một thụ án  tù 3 năm với mức thù lao tương đương 5.000 bảng. Sự thật bị bóc mẽ khi cư dân mạng phát hiện hình ảnh nghi phạm bị bắt tại hiện trường và nghi phạm xuất hiện tại tòa án không phải cùng một người.

Theo một cuộc khảo sát trên Internet, 130 ý kiến cho rằng người đàn ông xuất hiện tại tòa án là Hu Bin, nhưng có tới 8.873 người kết luận không phải là Hu Bin, mà người khác thay thế. Một trường hợp khác, tháng 7-2012, một tài xế xe khách không mua bảo hiểm ở tỉnh Gansu, Trung Quốc có tên gọi là Li đã cán chết một người và làm bị thương một người khác. Trong lúc chờ công an đến lập biên bản, Li năn nỉ một hành khách nhận tội thay anh ta và ra hầu tòa, đổi lại Li “tặng” người này số tiền 15.400 bảng (150.000 tệ). Khi tòa thu thập các chứng cứ thấy xuất hiện những tình tiết mâu thuẫn. Sau những vòng thẩm vấn, người hành khách khai thật câu chuyện, Li phải hầu tòa và bị kết án 1 năm 2 tháng tù. Ngoài ra còn có tình trạng “giang hồ cộm cán” đều có đàn em ở tù thay, và bọn chúng chăm sóc tốt cho người thân của đàn em ấy. 

Dùng tiền, quyền “lách cửa” án tù

“Ding zui” là chữ dùng để chỉ những “tội phạm thay thế”. Nguyên nhân chính khiến “ding zui” vẫn tồn tại đến tận xã hội phát triển như hiện nay là sự cách biệt tài sản quá lớn giữa nhà giàu và nhà nghèo, điều cho phép kẻ giàu có, quyền chức có “cửa lách” án tù.  Trong 3 thập kỉ qua, số tỷ phú và triệu phú Trung Quốc đã tăng lên vượt bậc trong khi số người nghèo khổ thì lại không thay đổi. 

Một lý do quan trọng khác là tính bí mật và nạn tiêu cực trong hệ thống tư pháp. Tại phiên tòa diễn ra ngày 20-8-2012, dư luận cho rằng không phải đích thân bà Cốc Khai Lai (vợ của cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai) đứng trước vành móng ngựa. Sở dĩ dư luận nghi ngờ là do Cốc Khai Lai từ trước khi bị bắt vẫn được miêu tả là một nữ luật sư xinh đẹp, có khuôn mặt thanh tú, sắc sảo trong khi người phụ nữ xuất hiện tại tòa án hôm xét xử lại là người có khuôn mặt “rất khác, và trông béo một cách đáng ngạc nhiên”.

Tờ Mail on Sunday của Anh còn đưa tin người thực sự đứng trước vành móng ngựa tại tòa án Hợp Phì trong phiên xử Cốc Khai Lai có tên là Triệu Thiên Thiều, 46 tuổi và đến từ thành phố Lang Phương, cách Thủ đô Bắc Kinh khoảng 60 dặm về hướng Nam. Cũng theo nguồn tin này, người phụ nữ mạo danh bà Cốc đã được đưa cho một văn bản soạn sẵn lời thú tội và chỉ việc “ngoan ngoãn thừa nhận tội danh cũng như mọi phán quyết của tòa án”.

Mặc dù đó chỉ là những thông tin nghi ngờ được dư luận đặt ra, song hy vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ được biết sự thật.