Vén bức màn bí ẩn “Thánh địa Mường ma” (3)

Người cuối cùng của dòng họ Đinh Công

ANTĐ - Nhà lang ở Mường Động quyền lực rất lớn. Nói đến chế độ Lang đạo ở Kim Bôi, Hòa Bình là nói đến người Mường ở Chiềng Động. Thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ, con cá dưới nước, con chim trên rừng tất cả đều là của nhà lang.

Ông Đinh Công Dũng và cuốn gia phả dòng họ Đinh Công ở Chiềng Động

Quyền lực của nhà lang

Ông Lê Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình cho biết: “Chế độ Lang đạo xuất hiện ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc, chủ yếu tập trung ở Hòa Bình, nơi có đông đồng bào Mường sinh sống từ thời Hùng Vương và tồn tại đến khi nhà nước dân chủ đầu tiên thành lập thì tuyên bố xóa bỏ…”.

Khi ấy, dưới thời Hùng Vương, đứng đầu người Mường là Lang Đá Cần. Thổ lang của các bộ lạc Mường thay nhau đến lạy Mường và dâng cho Lang Đá Cần những sản vật quý hiếm. Đây là thời điểm quan hệ giữa lang và dân khá mật thiết. Lang coi dân như con, đối xử rất tốt, dạy người dân canh tác nông nghiệp. Dân tự nguyện chịu sự cai quản của lang suốt đời và biếu một phần của cải của mình làm ra cho nhà lang. Dần dần việc này bị thay đổi bản chất theo thời gian.

Vào thời phong kiến, chế độ Lang đạo là hình thức tổ chức xã hội của riêng dân tộc Mường, mang tính chất lãnh địa, cát cứ. Giai đoạn đó đã chia rẽ tầng lớp quý tộc là người nắm giữ quyền hành còn người dân nghèo là tầng lớp phục dịch. Trong chế độ Lang đạo, nhà lang được chia làm hai đẳng cấp khác nhau. Lang cun thuộc dòng trưởng có uy thế lớn bao trùm cả một địa vực - một Mường rộng lớn tương đương cấp huyện ngày nay. Lang đạo thuộc ngành thứ phải phục tùng Lang cun. Theo tục đó nhà lang như một lãnh chúa có uy quyền tuyệt đối. Thượng ngọn cây, hạ ngọn cỏ, con chim trên trời, con cá dưới nước tất cả đều là của nhà lang.

Quan lang thuở ấy khét tiếng tàn bạo đến nỗi sau này Công sứ tỉnh Hòa Bình thời Pháp đã viết trong cuốn “Tỉnh Mường Hòa Bình” rằng Lang Mường Chiềng là dòng dõi hoàng tộc, được ban tước hiệu: “Phó vương 1 đời và làm vua xứ Mường 10 đời”. Điển hình là dòng dõi Đinh Công. Khi chúng tôi tìm hiểu về dòng dõi này đã được cán bộ xã chỉ đến gia đình ông Đinh Công Dũng hậu duệ thứ 22 của dòng họ Đinh Công ở Mường Động. Trong gia phả lưu giữ, còn ghi rõ người sáng lập ra dòng họ Đinh là ông Đinh Như Lệnh, trải qua nhiều đời đến ông Đinh Công Kỷ cầm quân giúp nhà Lê diệt nhà Mạc (cuộc nội chiến giành quyền lực giữa các tập đoàn phong kiến trong nước cuối thế kỷ 16). Dòng họ Đinh được vua Lê chúa Trịnh phong tước cho cai quản vùng Mường Động, cha truyền con nối cai quản miền sơn cước này.

Theo truyền thuyết còn lưu truyền trong dân gian, ông Đinh Công Kỷ (đời thứ 8 dòng họ Đinh, 1582 - 1647) là người có công giúp vua Lê xây dựng triều chính và là tướng tài của chúa Trịnh Kiểm. Do có công với nước nên khi chết ông được mai táng theo tước hầu, quan tài làm bằng gỗ trám đen, một loại gỗ quý, ngoài sơn son thếp vàng và được chôn theo nhiều đồ đạc quý. Đặc biệt, nhà Lê đã cho chuyển nhiều phiến đá xanh từ Thanh Hóa ra làm cột mồ.

Ông Đinh Công Dũng bên mộ đá Đống Thếch

Vang bóng một thời

Vẫn còn đó dòng dõi Đinh Công một thuở trên đất Mường Động ngày nay hòa với nhịp sống hiện đại. Những gì còn lại của một dòng tộc giờ chỉ là quá khứ xa. Ông Đinh Công Dũng hậu duệ thứ 22 và cũng là người cuối cùng của dòng dõi Đinh Công bậc quan lang xứ Mường xưa kia. “Cuộc sống của gia đình ông Đinh Công Dũng rất đỗi bình thường, thậm chí kinh tế còn ở dạng khó khăn, nhưng ông sống rất hòa nhã với bà con”- ông Bùi Văn Hùng, Phó Bí thư thường trực UBND xã Vĩnh Đồng cho biết. Cuộc sống là thế, có thời, có vận.

Bắt đầu từ năm 1972 đến năm 1975, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có những bước đầu nghiên cứu và tìm hiểu về các khu mộ Mường ở bốn vùng Mường lớn là Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Kỳ Sơn), Mường Động (Kim Bôi) thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong bốn khu mộ đó, ngành khảo cổ đánh giá mộ đá Đống Thếch có quy mô và giá trị nghiên cứu hơn cả. Khu mộ đá Đống Thếch hiện được chia làm hai khu nhỏ trong đợt khai quật, khu A có 15 ngôi mộ có dạng tròn hoặc vuông với các dãy đá bao quanh. Đầu mộ thường chôn ba hòn đá cao, to nhất thành một hàng thẳng. Trên các hòn đá đó thường có ghi tên tuổi, công trạng ngày mất của người dưới mộ. 

Khu B, theo kết quả khảo cổ thì tìm thấy 7 ngôi mộ quy mô không lớn bằng khu A. Trong các lần khảo cổ, các nhà khoa học còn tìm thấy rất nhiều vật tùy táng, đó là đồ dùng chôn theo người chết, với các loại trang sức, đồ dùng bằng gốm sứ, bằng đồng… rất có giá trị lịch sử và khảo cổ học. Từ những nghiên cứu trên, khu “thánh địa Đống Thếch” đã mở ra rất nhiều điều còn bí ẩn trong các phong tục, sinh hoạt, đồ dùng, trang phục… của người Mường đặc biệt trong tầng lớp Lang đạo ngày xưa.

Tìm lối vào nhà ông, chúng tôi đã gặp một người có nước da đen sạm và mái tóc bạc quá nửa đầu. Cuộc mưu sinh hàng ngày đã làm cho con người mới ngoài 50 tuổi, thuộc dòng dõi quí tộc thời xa xưa trở nên khắc khổ. Cho chúng tôi xem những trang gia phả dòng họ Đinh Công, ông Đinh Công Dũng không giới thiệu nhiều, mà chỉ im lặng lật giở từng trang văn tự cổ, để cho người kề bên thấy rõ tiếng thở dài. Có lẽ, đó là giây phút ông hoài cổ về những gì mà quá khứ để lại ở Mường Động, song không hiểu đó là lời than trách hay đồng cảm với bậc tiền nhân ở thuở xa xưa. Ông Dũng cùng chúng tôi ra khu mộ đá Đống Thếch, nhìn từng nét văn tự trên trụ đá, ông bảo: “Giờ điều làm tôi tự hào nhất là dòng dõi đã để lại cho đời sau những giá trị về khảo cổ học. Còn tất cả những vật chất khác chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi”- ông Dũng bộc bạch.

Đợt khảo sát và khai quật vào năm 1984, đã thu được nhiều hiện vật phong phú về loại hình số lượng, hiện được lưu giữ và bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình gồm: 207 hiện vật bằng gốm sứ như bát, đĩa, lọ, chậu… 260 hiện vật đồ đồng gồm tiền, chậu, gương, vòng, hoa tai… 11 hiện vật bạc gồm trâm cài tóc… Năm 1996 khu mộ cổ Đống Thếch được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét thấy những giá trị khảo cổ học, dân tộc học, đã cấp bằng chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

(Còn nữa)