Người con gái kiên trung bất khuất giữa Sài Gòn

ANTĐ - Gương mặt đầy đặn phúc hậu, tóc còn đen mướt, người phụ nữ ngồi bên tôi, giọng miền Nam nhỏ nhẹ, gãy gọn, lưu loát, kiểu nói của một nhà giáo mẫu mực. Ứng xử thông thường của ai cũng là một cái nhìn đại thể xem đối tượng chừng bao nhiêu tuổi để xưng hô cho tiện. Đoán chị hơn mình vài ba tuổi nên cứ chị - tôi. Đến lúc anh Trưởng ban liên lạc Ban Trí vận Kiều Xuân Long nói chị cùng tuổi với Đảng. Tôi sửng sốt. Lại thêm một sửng sốt nữa khi nói thêm, 65 tuổi Đảng đấy. Tên chị cũng làm cho một người học văn, dạy văn, viết văn như tôi sửng sốt ngắm ngầm: Thị Nở. Chỉ khác nhân vật của Nam Cao (Hội Nhà văn Việt Nam vừa tổ chức hội thảo nhân 100 năm sinh) có họ tên đầy đủ: Phan Thị Nở.

Người con gái kiên trung bất khuất giữa Sài Gòn ảnh 1

Chị Sáu Nở tại trường Nguyễn Ái Quốc khóa VI (tháng 8-1973)

Thời trẻ, muốn làm thầy giáo và thầy thuốc

Liếc nhanh đoạn cuối lí lịch trích ngang, hóa ra tôi đoán không sai. Sau giải phóng, chị là Phó Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em thành phố. Lại càng sửng sốt khi biết chị được tuyên dương công trạng vào loại cao nhất đoàn Trí vận ra thăm miền Bắc lần này: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì. Con nông dân quê mãi dưới Long An nhưng thông minh học giỏi nên ba má cho lên Sài Gòn học. Thi đỗ vào trường Tây hẳn hoi. Đỗ cao nên được học bổng. Không phải ai học trường Tây đỗ đạt cũng đi làm cho Tây. Nhiều phụ huynh cho con học trường Tây chỉ để tranh thủ học lấy kiến thức văn minh Tây. Sử dụng vào việc gì là việc của mình.

Gia đình chị có tinh thần phản kháng ảnh hưởng từ những cuộc đấu tranh của nông dân Nam bộ mà vụ kiện đổ máu ở Nọc Nạn là tiêu biểu (được sân khấu hóa trong vở cải lương nổi tiếng Máu thấm đồng Nọc Nạn). Ông ngoại từng theo nghĩa quân Trương Định chống Pháp, hy sinh lúc vợ mới 28 tuổi. Bà ngoại ở vậy, theo gương chồng tham gia chống Pháp. Đến má chị, dòng máu phản kháng vẫn sôi sục. Ông ngoại để lại một tủ sách chữ Nho, chữ Pháp.

Má chị bảo, chữ Nho không thông dụng nữa. Giờ con phải học tiếng Pháp mới “nói chuyện” được với người Pháp. Thế nên cho chị học trường Tư thục Gò Đen, dạy bằng tiếng Pháp theo chương trình Pháp. Lên Sài Gòn, chị đỗ thứ 40 trường nữ trung học bảo hộ Trưng Vương, duy nhất ở Xứ Nam Kỳ tự trị. Dòng máu nóng thôi thúc chị tham gia ngay phong trào học sinh yêu nước mà những bài hát của Lưu Hữu Phước “Tiếng gọi sinh viên” (sau đổi thành Tiếng gọi Thanh Niên), Hội nghị Diên Hồng, Bạch Đằng giang như giục giã chị và các bạn đồng môn căng lồng ngực vẫn hát mỗi khi họp lại.

Người Nhật hất cẳng Pháp, đóng cửa các trường Pháp. Phong trào cứu quốc do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo nắm ngay lấy lớp người mẫn cảm với cái mới, với cách mạng. Mới hết năm thứ ba trường nữ sinh áo tím ấy, chị đã tham gia vào phong trào Phụ nữ Cứu quốc Bình Thạnh.

Quãng đời đẹp nhất thời kháng chiến

Quốc khánh 2-9-1945, chị và đồng bào cả nước, đồng bào Nam bộ không được nghe bản Tuyên ngôn Độc lập Bác đọc (vì ta chưa có đài phát thanh, quảng trường Ba Đình chỉ có hệ thống loa phóng thanh do một người con của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, người thợ giỏi nhất về loa, đài ở Hà Nội mắc, thay cho bài Tuyên ngôn Độc lập chính thức ở Thủ đô, chị và đồng bào Sài Gòn được nghe ông Trần Văn Giàu truyền đạt lại tinh thần bản Tuyên ngôn Độc lập. Ba tuần sau, ngày 23-9-1945 thực dân Pháp đã gây hấn trở lại, đồng bào Nam bộ súng kíp tầm vông vùng lên mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Năm 1947, trong Hội nghị Phụ nữ cứu quốc thành phố ở vườn Thơm - căn cứ kháng chiến tại huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thị Huệ (phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau này) làm Chủ tịch Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ thấy chị nhanh nhẹn hoạt bát, giỏi chữ nghĩa mới chọn làm thư ký hội nghị. Chị xin hoạt động thoát ly, nhưng Châu San (bí danh bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, sau này từng làm Phó Chủ tịch nước) khuyên về Sài Gòn học tiếp lấy vốn kiến thức để hoạt động trong giới giáo chức Sài Gòn - Gia Định. Trong bài luận tốt nghiệp tú tài “Lớn lên em sẽ làm gì?”, Phan Thị Nở ngày ấy viết một mạch 4 trang (tiếng Pháp) luận giải vì sao muốn làm thầy giáo và thầy thuốc.

Xin vào xưởng đóng tàu Ba Son làm với tên Phan Minh Châu. Ngỡ là nam nên không được nhận. Thế nên chị đã nói với ông chủ: “Ông cứ giao bất cứ việc gì như nam giới, tôi làm được hết!” Thế là Châu thành thư ký cho Thiếu tá thủ kho vật tư máy móc. Làm quá tốt nên thưởng còn hơn lương. Quan trọng nhất là chị lấy được những thứ cách mạng cần: giấy đánh máy, giấy than và các loại đạn dược...

Lần đầu tiên dẫn đầu đoàn công nhân Ba Son lên quảng trường Quách Thị Trang biểu tình, Phan Thị Nở bị bắt và tra khảo hỏi tên người lãnh đạo. Chị chối một mực không biết và chỉ nói: Thấy đông nữ thì tham gia thôi. Đòn tra tấn lập tức giở ra. Chị đấu lí: “Nước Pháp văn minh khai hóa cho thuộc địa mà lại tra tấn người là làm sao? Ông hỏi sếp tôi xem tôi là người của ai”. Viên Thiếu tá ở xưởng đóng tàu Ba Son đến xin, Phan Thị Nở mới được thả.

Không thể tiếp tục ở lại Ba Son, chị xin đi dạy tiếng Pháp ở nhiều trường. Có điều kiện làm quen, lân la gợi chuyện, tuyên truyền trong giáo giới và phụ nữ tham gia Mặt trận Liên Việt. Năm 1950 được kết nạp Đảng, làm Hội trưởng Phụ nữ cứu quốc liền trong 5 năm, đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành phụ nữ tỉnh Gia Định nghiệp đoàn giáo học tư thục Việt Nam, Bí thư đảng ủy giáo công tư Sài Gòn - Gia Định. Năm 1967 đang dự lớp học nghị quyết thì bị bắt. Lần này mới nếm đủ đòn tra tấn mà ngón phổ biến là treo ngược chân, đầu gần sát đất.

Cứ thế chúng đánh bất kể chỗ nào. “Chỉ tiêu là  200 hèo! - Nguyễn Văn Linh ở đâu? “Võ Văn Kiệt ở đâu? Trần Bạch Đằng ở đâu? Sống đi chết lại nhiều lần vẫn cắn răng chịu đựng. Nhất lí nhì lì. Không thể khai thác được gì Phan Thị Nở, cũng không có chứng cớ chúng đành thả. Nhưng bị bắt lần thứ ba thì chúng giam vào khám tử tù, vì có kẻ chỉ điểm. Mấy đồng chí bị giết, nhưng chị và chị Nguyễn Thị Chơn (vợ ông Trần Bạch Đằng, sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) được ta thương lượng trao trả tù binh.

Lại tham gia chuẩn bị cơ sở cho Tổng tiến công Mậu Thân 1968. Sau Mậu Thân, được mang tài liệu ra Bắc báo cáo kết hợp với điều trị. Không thuốc nào hiệu nghiệm bằng được gặp Bác Hồ. Cháu khóc vì sung sướng cảm động, Bác nghẹn lại khi nghe cháu kể bị tra tấn. Chị còn kể ba mươi Tết nhóm Trí vận tập trung ở một địa điểm an toàn, đó là nhà GS.BS Dương Văn Thới - một trí thức nổi tiếng Sài Gòn (thân phụ BS Dương Quỳnh Hoa cũng hoạt động cách mạng), sau là Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chỉ để được nghe lời Bác chúc Tết. Chị còn kể, trong tù, chỉ nghĩ về Bác tinh thần đã phấn chấn hẳn lên. Nữ chiến sĩ cách mạng trẻ tự tin hứa với Bác: Đau đớn thế, chứ đau nữa cháu cũng chịu được.

Về Sài Gòn chị còn kể qua điện thoại với tôi, đó là quãng đời đẹp nhất của chị. Được đưa sang Trung Quốc, CHDC Đức điều trị, được học sư phạm, chính trị. Trong khi hàng vạn cán bộ chiến sĩ chiến đấu, hy sinh, tù đầy ở Côn Đảo, Phú Quốc, không một ai được gặp Bác thì mình lại được ra Bắc, được gặp Bác, không phải một mà những ba lần. Và chỉ sau lần gặp cuối cùng không lâu, Bác đã đi xa. Nhớ lần cuối, Bác động viên mình cố gắng học để trở về Nam, làm tốt hơn nữa công tác trí vận trong tình hình mới để mau thống nhất đất nước. Chị nói, cháu ráng làm theo lời Bác để ngày đất nước thống nhất, đồng bào miền Nam được đón Bác vô.

Hiến dâng hết mình vì cách mạng

Tình hình mới chính là nhiều cơ sở trí vận ở nội thành bị vỡ. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch tăng cường tấn công, đánh phá ra vùng giải phóng, đến mức Trung ương Cục phải tạm lánh sang Campuchia. Anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) bố trí đi máy bay vòng sang Phnômpênh rồi về căn cứ. “Em đi bằng đầu chứ có phải đi bằng chân đâu anh”. Thế là, đêm đêm chị lại đeo sọt rèn leo nên núi Nùng tập luyện như tất cả cán bộ chiến sĩ luyện trước khi đi vào chiến trường.

Sau đó, tổ chức bảo làm căn cước giả cho chị vào hoạt động trong lòng địch. Đã có kinh nghiệm, căn cước giả chỉ đối phó lúc chúng khám khi đi đường, chứ nằm vùng, địch nó vào tận nhà thì khó qua mắt chúng. Vả lại, tổ chức đã tung tin chị đã hy sinh trên đường ra Bắc. Về Sóc Trăng, nương náu một thời gian làm căn cước, chị mới vào nội thành làm các ủy viên: Tiểu ban Đô thị Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, Tiểu ban Giáo dục đô thị, Phó Bí thư đảng ủy giáo nội đô, Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định cho đến ngày giải phóng.

Không thấy kể nên không hỏi, phải vòng qua người khác mới biết, một đời lăn lộn hoạt động, tù đầy không còn thời gian đâu nghĩ đến việc riêng. Sức khỏe yếu toàn thể nên sau 1975 chị mới lập gia đình với anh Nguyễn Như Ý (tên thật là Lê Quang Chữ, sau này là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) nhưng không còn được làm mẹ nữa. Hỏi có giữ được tấm ảnh nào chụp với Bác không? Chị bảo tôi: Vì còn phải trở về hoạt động nên không được chụp ảnh. Bác trong tim tôi rồi! Chỉ không được khoe với ai thôi.

Tôi thật sự kính nể, nên đặt tên bài là “một người con gái kiên trung bất khuất giữa Sài Gòn”.