Người có “thần kinh thép” kể chuyện vớt xác và những “pha” cứu người tự tử

ANTĐ - Xen lẫn những đám lau cỏ cao lút đầu người ở bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên, có những ngôi mộ nhỏ không thành hàng thành lối, nhiều ngôi mộ đã bị những trận lũ, những lần sạt lở làm mất dấu tích. Không ai biết người nằm dưới những ngôi mộ đó tên gì, ở đâu, chỉ biết rằng mỗi người nằm dưới mộ đều có một số phận bi thảm, mộ phần của họ cũng không được trở về quê hương, không được gia đình chăm sóc, hương khói. Chỉ có một người đàn ông, mấy chục năm qua vẫn miệt mài làm cái công việc “kỳ cục” mà ít người dám làm, đó là vớt xác người chết đuối, chôn cất họ trong cái “nghĩa địa” ấy và hương khói cho họ. Và những ngôi mộ đó, được đặt tên theo ký ức của ông về người nằm dưới mộ: mộ trẻ sơ sinh, mộ cô gái, mộ nam thanh niên, mộ cụ già…
Người có “thần kinh thép” kể chuyện vớt xác và những “pha” cứu người tự tử  ảnh 1
Một ngôi mộ trong khu nghĩa địa ven sông do ông Được trông giữ

Nghiệp… vớt xác

Ông Nguyễn Đăng Được (SN 1946) quê ở Bố Trạch, Quảng Bình là một cư dân của bãi giữa sông Hồng. Căn nhà của ông thực chất là một chiếc thuyền nan được chắp vá với thôi thì đủ thứ nào là ván gỗ, mảnh tôn, vải bạt, những tấm áp phích quảng cáo… Trong những ngày đông mưa phùn này, càng thấy nó chênh vênh, tàn tạ. Ông Được có dáng người nhỏ thó, đen đúa, khắc khổ nhưng rắn rỏi, tinh anh. Ông bảo, vớt xác với ông không phải một nghề, nhưng dường như nó là cái nghiệp gắn với ông, cho đến lúc ông không còn sức thì thôi. 

Có “thâm niên” sinh sống ở đây lâu nhất, từ những lần cứu người, rồi vớt xác người, dần dà ông Được gắn bó với công việc vớt xác người chết đuối như một cái nghiệp. Ông chính là chủ nhân của bãi nghĩa địa vô danh ven sông Hồng này. Theo trí nhớ của ông thì đến nay cũng phải có đến 60 ngôi mộ được chôn trải dọc triền sông này. Mỗi lần vớt được xác người mà không có thân nhân đến nhận, ông Được lại đi kiếm những mảnh gỗ người ta bỏ đi, tự tay đóng quan tài rồi xin gạch, vôi vữa chôn cất họ bên bờ sông. Ông Được bảo trong số những xác chết vô danh mà ông vớt trên sông, nhiều nhất có lẽ là những xác của thai nhi, lắm khi là   của những đứa trẻ sơ sinh chưa cắt dây rốn. Với những đứa trẻ này, ông gom lại chôn thành những ngôi mộ chung để tiện chăm sóc.

Đến thời điểm này, ông Được cũng không nhớ nổi mình đã lặn ngụp dưới dòng nước sông Hồng bao nhiêu lần để cứu người tự tử hoặc vớt xác người chết đuối. Bất kể trời nắng hay mưa, nắng cháy da cháy thịt hay những ngày lạnh cóng tê người, chỉ cần biết thông tin có người nhảy cầu tử tự, chỉ cần nghe tin ở đâu có xác chết trôi trên sông, ông Được lập tức chèo thuyền và lao xuống dòng nước chảy xiết. Ông Được bảo dường như ông có duyên nghiệp với cái công việc vớt xác trên dòng sông này, đến nỗi ông luôn có những linh cảm đặc biệt với những xác chết. Ông nhớ lại lần đầu tiên mình vớt xác trên sông, cũng là sự kiện gắn đời ông với công việc này. Đó là vào thời điểm cách đây 30 năm, khi ông mới dựng nhà ở bãi giữa sông Hồng này. Lần ấy có một nhóm học sinh cấp 2 rủ nhau đi tắm sông Hồng, chẳng may một cậu bé trong nhóm bị tụt xuống hố cát và bị dòng nước cuốn đi. Suốt mấy ngày trời, gia đình cậu bé thuê người lặn ngụp khắp khúc sông mà vẫn không tìm thấy thi thể cậu bé. Chứng kiến cảnh gia đình họ đau đớn khóc ngất, ngóng trông thi thể con từng giây, ông không thể cầm lòng được. 

Đêm ấy, dù vừa mới chợp mắt được một lúc nhưng đến 4h sáng ông đã tỉnh giấc và như linh tính mách bảo, như cảm giác cậu bé đang chờ đợi người đến vớt, ông chèo thuyền ra vị trí cháu bé gặp nạn. Quả nhiên, khi ra đến nơi, ông nhìn thấy một đầu người nổi lập lờ trên mặt nước khiến ông ớn lạnh. Trấn tĩnh lại, ông lấy hết can đảm đưa cậu bé vào bờ. 

“Thần kinh thép” vẫn bị ám ảnh

Công việc vớt xác của ông khiến những người yếu bóng vía chỉ nghe thôi đã “hồn bay phách lạc”. Bởi vậy, ông mới tự nhận mình là người có “thần kinh thép”. Ông bảo người chết bình thường nhiều người đã không dám đến gần, người chết đuối còn đáng sợ hơn rất nhiều lần. Họ nổi lập lờ trên mặt nước, tóc tai xõa xượi, thân thể trương phình, trắng bệch, có người chân tay co quắp, có người mắt mở trừng trừng, có người bị cá rỉa mất cả tay chân, có người ngâm nước lâu ngày xác đã phân hủy, bốc mùi… Mới đầu làm cái công việc này, ông cũng thấy sợ hãi lắm, lâu dần có lẽ thành quen, một phần cũng phải tự an ủi mình làm việc thiện, nếu mình không làm thì chẳng ai dám làm nên ông vẫn gắn bó với công việc này bấy lâu nay. 

Mỗi xác người chết đuối, ông biết rằng đó đều là những số phận bi thương và ông tâm niệm làm tất cả những gì có thể để người chết được an ủi và mình cũng được thanh thản. Nhưng cũng có nhiều trường hợp làm ông ám ảnh mãi không thôi. Đó là những lần vớt được những xác hài nhi vô tội chưa kịp cắt dây rốn, ông vừa thương xót trong lòng, vừa giận run người trước những hành động vô nhân tính của những người mẹ đã vứt con chết oan ức. Hay có lần năm 2011, có cô gái 20 tuổi gieo mình xuống sông Hồng tự tử. Đã 3 ngày nhưng thi thể cô gái vẫn chưa tìm thấy. Ông Được cùng đoàn người tìm kiếm xuôi dòng về tận Thái Bình, Nam Định tìm nhưng móc câu rà nát cả một khúc sông mà vẫn không thấy. Đến hôm thứ 4, trong lúc đoàn tìm kiếm mệt mỏi đang định quay về thì bất ngờ, như có “duyên định”, buổi trưa đó ông nằm ngủ mơ thấy xác cô bé trôi qua, ông dang tay ra chộp thì bị ngã nhào xuống sông. Linh tính xác cô bé vẫn ở gần đây, ông Được bảo mọi người quay thuyền lại thì thấy xác cô gái mắc vào một bụi lau gần đó. Hình ảnh thi thể cô gái với khuôn mặt biến dạng, bụng vỡ ra lộ một bào thai chừng 5 tháng tuổi đến nay vẫn khiến ông nổi da gà. Dù vậy, ông vẫn xé áo buộc và kéo cô gái vào bờ.

Theo kinh nghiệm của ông Được thì để tìm kiếm một xác chết cũng cần có kinh nghiệm. Xác người chết đuối thường trôi theo dòng nước, có khi là giữa mênh mông nước khi mùa lũ về, nên việc đầu tiên phải xác định vị trí, thời điểm xác chìm, xác định địa hình lòng sông, đoán con nước lên, xuống, tốc độ chảy ra sao để khoanh vùng tìm kiếm. Thông thường thì người chết đuối 3 ngày sẽ nổi, nhưng cũng có những trường hợp ngoại lệ, lâu hơn ví dụ như người bị chết trước khi ném xuống nước... Phụ nữ sẽ dang hai tay, ngửa mặt còn đàn ông thì nằm úp.

Giành giật với hà bá

Ông Được còn được mệnh danh là người “cướp cơm hà bá”, bởi ông đã không ít lần cứu người tự tử hoặc người sắp chết đuối thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Ông bảo cây cầu Long Biên và cầu Chương Dương được rất nhiều người chọn làm nơi… tự tử. Vì vậy, sống ở đây lâu năm, cứ thấy người nào buồn bã, thơ thẩn quanh khu vực này là ông phải để mắt tới vì rất có thể trong một phút quẫn trí, họ sẽ gieo mình xuống dòng nước. Nhiều trường hợp, ông phải lựa thời điểm tiếp cận với họ, nhỏ to tâm sự và khuyên bảo họ để họ nguôi ngoai, bình tâm suy nghĩ và không làm liều. Không ít người tự tử cũng may mắn được ông cứu lên, dù sau này họ cũng không biết người cứu mạng sống của họ là ai.

Cách đây hơn một năm, có đôi trai gái nọ, chỉ vì gia đình phản đối chuyện tình cảm đã quyết định nhảy sông tự tử. Hồi ấy, đang mùa đông lạnh cắt da cắt thịt nhưng khi nghe thấy tiếng kêu thất thanh của những người trên cầu, ông Được lập tức chèo thuyền ra và lao mình xuống dòng nước. Lần ấy, may mắn ông tóm được cả hai trong tình trạng uống no nước, lạnh cóng. Chưa kịp vui mừng vì cứu được người, ông lại bất ngờ bị nạn nhân quay ra mắng xối xả vì tội “không để cho chúng tôi chết”. Lại có lần, có người đàn ông trung niên, do mâu thuẫn gia đình nên ôm hai đứa con nhảy cầu Chương Dương tự tử, ông Được vội lao ra. Hai đứa trẻ bám vào vai ông, người bố cũng hốt hoảng bám theo. Một mình dìu 3 người bơi ngược dòng nước, ông suýt kiệt sức. May thay lúc đó công an có mặt kịp thời, cho ca nô ra cứu được cả 4 người. 

Nhưng cũng có lần, ông Được không thể chiến thắng sức mạnh của hà bá. Có lần ông nghe tin có hai vợ chồng cãi nhau trên cầu, người chồng nghi ngờ vợ dan díu với người khác, cô vợ giải thích mãi không được liền nhảy xuống sông tự tử. Hoảng quá, người chồng cũng vội nhảy theo cứu vợ, nhưng anh này không biết bơi. Lúc đó ông Được lao ra cứu, nhưng chỉ cứu được người chồng còn người vợ thì trôi theo dòng nước, mãi 3 ngày sau ông mới tìm thấy xác chị này. Người chồng lúc đó khóc ngất, ân hận cũng đã muộn màng. Nhớ lại những trường hợp ấy, ông Được thở dài: Bao nhiêu người mong có được cuộc sống bình thường mà còn không được, ấy vậy mà họ lại vô trách nhiệm, dễ dãi tước đi mạng sống của chính mình, làm bao người ở lại phải đau khổ, day dứt.

Ông cũng bảo, những người tự tử thường có tâm lý rất bất ổn, bởi vậy khi cứu được họ rồi, ông còn phải động viên, hỏi han để họ trấn tĩnh lại, từ bỏ ý định tự tử. Ông tâm niệm, ông làm công việc này chẳng phải vì tiền bạc, danh lợi gì, ông luôn nghĩ mình làm việc để tích đức cho con cháu.