Người có mùi bia dễ “làm mồi” cho muỗi

ANTĐ - Mùa hè nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi - loài côn trùng không chỉ phiền nhiễu bởi những nốt cắn gây ngứa ngáy mà còn là vật trung gian truyền bệnh dịch, như sốt xuất huyết. Lạ ở chỗ, có nhiều người như thể “thỏi nam châm” hút muỗi nhưng bản thân họ không biết có một số yếu tố, kể cả những thói quen tưởng chừng vô hại đã biến họ thành “mồi ngon” cho muỗi.

Carbon Dioxide (CO2). Hóa ra muỗi không cắn ngẫu nhiên, có rất nhiều lý do khiến ai đó trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với muỗi. Richard Pollack, một giảng viên tại Trường Y Harvard cho biết, muỗi “lão luyện” trong việc định vị mục tiêu bằng cách dựa vào lượng khí CO2 tỏa ra - nghĩa là muỗi có xu hướng đổ xô đến những người có thân hình to lớn hoặc phụ nữ mang thai. Vì nguyên nhân này, các chuyên gia khuyên rằng một trong những giải pháp ngăn bị muỗi đốt là bật quạt máy vì luồng gió mạnh có thể đẩy bớt khí CO2 và làm muỗi không thể đậu vào người.

Nhiệt. Nếu như carbon dioxide là yếu tố để xác định mục tiêu thì nhiệt độ chính là điểm cụ thể để muỗi tìm cách cắn vào. Tiến sĩ Jonathan Day, một giáo sư côn trùng học tại Đại học Florida cho biết, trước khi muỗi chích, nó phải tìm một khu vực có máu gần bề mặt. Các khu vực phổ biến nhất là trán, cổ tay, khuỷu tay và cổ. Tuy nhiên, những người đang nóng nực hoặc vừa tập thể dục thì chỗ nào cũng hấp dẫn đối với muỗi bởi bề mặt da khắp cơ thể đều căng máu. 

Hóa chất từ đường thở. Ngoài nhiệt và carbon dioxide, muỗi cũng bị thu hút bởi hóa chất sinh ra trong quá trình hít thở. Hóa chất thì đủ loại nhưng theo tổng kết, nổi bật nhất là hóa chất liên quan đến estrogen (vì thế phụ nữ thường bị muỗi đốt). 

Trang phục tối màu. Nếu bạn có kế hoạch đi dã ngoại và không muốn trở thành “mồi ngon” cho muỗi, không nên diện trang phục toàn màu đen. Trên đường săn mồi, muỗi có thể tìm được dấu hiệu của con người nhờ quần áo có gam màu tối nổi bật so với đường chân trời. Vì thế, mùa hè chúng ta nên chọn quần áo có màu sắc nhẹ nhàng, chú ý mặc quần áo dài khi hoạt động ngoài trời vào “giờ cao điểm” của muỗi là bình minh và nhập nhoạng tối.

Bia. Một nghiên cứu ở phạm vi nhỏ cho thấy uống một chai bia khiến ai đó trở nên hấp dẫn hơn đối với muỗi. Mặc dù các chuyên gia nói rằng kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu không liên quan đến việc bị muỗi cắn nhưng họ không thể giải thích tại sao các tình nguyện viên có uống bia lại bị nhiều vết muỗi cắn hơn so với người khác. Có thể muỗi cũng giống như con người, đơn giản chúng thích mùi vị của bia. Liên quan đến những mùi vị hấp dẫn, người hay bị muỗi cắn nên tránh nước hoa vì muỗi cũng thích mật hoa, thay vào đó có thể bôi một số sản phẩm chống côn trùng cắn có nguồn gốc thảo dược hiện có trên thị trường.

Thực phẩm giàu kali. Muỗi hút máu cực kỳ thích axit lactic, một loại hóa chất do cơ thể phát ra. Tuy nhiên, ăn những thực phẩm giàu kali như  chuối, khoai tây, nho khô, quả  bơ làm tăng lượng axit lactic bài tiết qua da.

Năm 2015 sẽ có vaccine sốt xuất huyết đầu tiên

Đó là kết quả từ thử nghiệm thành công loại vaccine phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết tại 5 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Kết quả thử nghiệm vaccine do Công ty dược phẩm Sanofi Pasteur, Pháp sản xuất trên 10.275 trẻ em (2-14 tuổi) ở 5 nước Đông Nam Á cho thấy hiệu quả ngăn chặn 4 chủng sốt xuất huyết nguy hiểm với cùng triệu chứng bệnh là 56,5%, sau 3 liều, tỷ lệ này lên tới 88,5%, ngoài ra vaccine cũng làm giảm 67% nguy cơ nhập viện vì sốt xuất huyết. Nếu chính thức được tung ra thị trường vào năm tới, vaccine sốt xuất huyết châu Á sẽ tạo nên bước đột phá trong chiến dịch toàn cầu nhằm loại trừ bệnh sốt xuất huyết vào năm 2020.