Người chiến sỹ kể chuyện đời lính từ facebook

ANTĐ - "Trước khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, hoặc làm một bộ phim về cuộc kháng chiến và về anh bộ đội, bạn nên trước nhất là đọc kỹ Hồi ức lính” - đó là những chia sẻ của nhà văn Bảo Ninh, tác giả “Nỗi buồn chiến tranh” về cuốn sách “Hồi ức lính”. Chỉ một nhận định này thôi cũng đủ thấy giá trị của tác phẩm “Hồi ức lính”, được chấp bút bởi một người lính đã vào sinh ra tử ở chiến trường Tây Nguyên, Vũ Công Chiến.

Tác giả của cuốn “Hồi ức lính” là Vũ Công Chiến, sinh năm 1953, là bộ đội Trường Sơn, chiến trường Nam Lào, mặt trận B3 Tây Nguyên, Daklak. Ông nhập ngũ vào năm 1971 và phục vụ trong quân ngũ 6 năm. Từ cuối năm 2013, ông bắt đầu chia sẻ về cuộc sống ở chiến trường trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ trên trang facebook. Được sự động viên của đồng đội, của bạn đọc, cũng như sự giúp đỡ PGS.TS Lưu Khánh Thơ, em gái của người bạn chiến đấu của ông, Vũ Công Chiến đã có dịp xuất bản cuốn sách.

Tác giả Vũ Công Chiến trong buổi ra mắt sách 

Tác giả Vũ Công Chiến cho biết, rất nhiều năm sau khi hòa bình, vẫn nhiều người nghĩ ông chỉ là “anh lính ngồi bàn giấy”. Với chút tự ái, ông đã viết “Hồi ức lính”, để cho thế hệ sau và cả những bạn bè cùng người thân biết, thế hệ của ông đã trải qua những gì trong chiến tranh, với tất cả sự khốc liệt, đau thương và những điều chỉ hôm nay một người lính như ông mới có thể nói được, sau khi chiến tranh đã lùi xa.

Cuốn sách được ghi lại bằng trí nhớ và tình cảm của một chàng trai 18 tuổi, mang theo ý chí “nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực” của những chàng thanh niên lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc vào thời điểm lúc bấy giờ, những năm cuối cùng của cuộc chiến.

Tâm sự về cuốn sách, tác giả Vũ Công Chiến chia sẻ: “Cứ đến tháng 3, những người lính, đặc biệt là những người lính chiến trường Tây Nguyên đều cảm thấy cái gì đó sôi lên. Chúng tôi ngồi cùng nhau, vẫn thường nhớ, à, ngày này chúng tôi cắt đường 14, rồi thì hôm nữa chúng tôi đánh Cheo Reo... Những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên trong tôi”.

Trong ký ức của ông, một trong những thời điểm mềm lòng nhất là vào tháng 5-1973 ông có viết một lá thư gửi cho mẹ. Lúc đó đơn vị đang đóng quân ở Chốt Keng Nhao, chiến trường Nam Lào, vì điều kiện lúc bấy giờ nên ông chỉ viết vào một cuốn sổ, cất vào đáy ba lô, không thể gửi đi được.

“Từ chiến trường Nam Lào còn khói lửa/Con viết thư về thăm mẹ phương xa/Khi lòng rộn lên nỗi nhớ quê nhà/Nhớ những người thân bao ngày xa cách...” Đến bây giờ, khi đọc lại những dòng này, người lính năm xưa vẫn nghẹn lời.

Tác phẩm "Hồi ức lính"

Theo nhà văn Bảo Ninh, tác giả “Nỗi buồn chiến tranh”, nếu đọc tác phẩm, độc giả sẽ thấy “anh lính bộ binh thật sự trông như thế nào”. Không chỉ họ đánh trận thế nào, mà cách họ ngủ, họ nói năng, trò chuyện, thậm chí là mắc võng căng tăng, ca cóng, đeo AK... như thế nào cũng đều được mô tả chân thực trong tác phẩm.

Nó sống động đến nỗi, nhà văn Bảo Ninh cho rằng: “Trước khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết, hoặc làm một bộ phim về cuộc kháng chiến và về anh bộ đội, bạn nên trước nhất là đọc kỹ Hồi ức lính”.

Cuốn “Hồi ức lính” của tác giả Vũ Sách do NXB Trẻ ấn hành, ra mắt ngày 29-4.