Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Người “canh giữ nỗi buồn”

ANTĐ - Vẻ ngoài xù xì gai góc nhưng mỗi khi Nguyễn Quang Thiều đọc thơ, dường như có một thế giới được mở ra đưa người nghe bay lên những thánh đường để rồi khi anh dừng lại mới giật mình ngộ ra mình đã bị dẫn dụ bởi những vẻ đẹp bình dị và gần gũi… 

Sức hút của  “nhà truyền giáo”

Tôi luôn tin rằng, mỗi bài thơ của Nguyễn Quang Thiều, khi được in thì anh mới chỉ hoàn thành năm mươi phần trăm công việc sáng tạo. Một nửa còn lại là khi giọng đọc của anh vang lên, lúc ấy những gì Nguyễn Quang Thiều muốn nói mới được chuyển tải một cách trọn vẹn. Một giọng đọc vang, trầm, ấm có sức lan tỏa và lay động ghê gớm. Nguyễn Quang Thiều có lẽ là nghệ sĩ duy nhất có thể trình diễn thành công nhất chính những vần thơ của mình.

Nếu như bạn được tham dự một buổi giao lưu có nhiều tác giả trình bày thì vẫn cứ thấy Nguyễn Quang Thiều nổi bật, vẫn thấy anh là tâm điểm của sự kiện. Có một sức hút mê dụ trong giọng nói của Nguyễn Quang Thiều khiến cho người nghe dù là người lý trí đến mấy cũng ít nhiều mất đi vài phần tỉnh táo. Nguyễn Quang Thiều có phẩm chất của “nhà truyền giáo”. Đã có lần Nguyễn Quang Thiều tham gia giao lưu tại một đơn vị quân đội, hàng nghìn người lính đã lặng phắc khi nghe anh nói chuyện thơ, nghe anh đọc những bài thơ về mẹ, về những người phụ nữ và nói về vẻ đẹp của thơ ca. Nguyễn Quang Thiều không chỉ đọc rất hay thơ của anh mà cả thơ của người khác. Những bài thơ như “Chơi bóng rổ với Việt cộng” của nhà thơ cựu binh Mỹ Kevin Bowen hay một số nhà thơ Mỹ khác đều được Nguyễn Quang Thiều mang đến cho chúng một sức sống riêng. 

“Made in Nguyễn Quang Thiều”

Những vần thơ về quê hương của Nguyễn Quang Thiều luôn đẹp và buồn. Chỉ có điều, cái buồn ấy đã được gọi tên, được tôn vinh, được dành cho một vị trí sang trọng. Có một bài thơ mà Nguyễn Quang Thiều dành cho nó sự ưu ái nhiều hơn những bài thơ khác là “Bài hát về cố hương”. Trong buổi giao lưu giữa các nhà thơ tham dự Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất với Câu lạc bộ thơ Sài Sơn tại chùa Thầy, trước khi đọc bài thơ này, Nguyễn Quang Thiều đã nói “tôi xin đọc một bài thơ mà ở đâu tôi cũng đọc nó”: “Kiếp này tôi làm người/ Kiếp sau tôi làm vật/ Ở kiếp sau tôi xin được làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi”. Dịp Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 năm 2011, trong buổi các đại biểu tham quan đền Hùng và giao lưu tại tỉnh Phú Thọ, được giới thiệu lên đọc thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng đọc bài thơ này khiến không ít cây bút trẻ tham dự hội nghị phải ngẩn ngơ trước chất giọng đặc biệt của vị Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.

Làng Chùa ấy đã trở thành một biểu tượng, một không gian nghệ thuật trong những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều, qua lăng kính của anh nó trở nên đẹp một cách huyễn hoặc. Nó đã khiến cho không ít người đặt những kỳ vọng về một vùng quê lung linh huyền ảo để rồi thất vọng khi đặt chân đến nơi đây và thấy chẳng có gì khác biệt ghê gớm so với những vùng quê khác. Nhưng tôi thì vẫn nghĩ làng Chùa đặc biệt, và điều khiến làng Chùa bình dị trở nên đặc biệt chính là nơi đây đã sinh ra một con người tài hoa như Nguyễn Quang Thiều.

Yêu thơ và yêu quê, Nguyễn Quang Thiều đã đứng ra tổ chức hẳn một giải thơ mang tên Làng Chùa. Giải thơ được tổ chức ba năm một lần ở tầm cỡ quốc gia thu hút không ít tài thơ tham dự. Cuộc thi lần thứ 2 vừa được tổng kết và trao giải đầu năm 2012 đã nhận được tới 6.372 bài thơ tham dự. Nhìn vào thành phần Ban chung khảo của cuộc thi cấp làng này nhiều người sẽ… choáng, bởi đều là những tên tuổi cấp quốc gia cả, từ nhà thơ Y Phương, nhà thơ Dương Kiều Minh, TS. Nguyễn Đăng Điệp đến nhà thơ Mai Văn Phấn, nhà thơ Trần Quang Quý. Mọi người đều hiểu là từ uy tín của người con làng Chùa mới tập trung được nhân tài vật lực như thế. 

Yêu quê, Nguyễn Quang Thiều cũng có những trang văn thấm đẫm tình cảm với nơi mình sinh ra. Anh viết về những người đàn bà, những người đàn ông, viết về dòng sông, về khu vườn, về người bà ốm trong ngôi nhà cũ… Tất cả qua lăng kính của anh đều toát lên một vẻ đẹp mà chỉ Nguyễn Quang Thiều mới nhận thấy, mới thẩm thấu hết, và hơn nữa, qua ngòi bút của  anh cái đẹp ấy đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến những người khác để nhân lên sự đồng điệu. Cái hiện thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều đã khiến người ta tin nó là hiện thực của đời sống, hiện thực ấy đã được phủ một lớp chất “Made in Nguyễn Quang Thiều” khi đi qua con mắt anh, và đặc biệt là khi đi qua trái tim anh. Làng Chùa trong thơ anh cũng không còn là làng chùa của xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội trên bản đồ địa lý nữa mà nó đã thành một không gian tượng trưng. Và bởi thế, cố hương trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng không bị khuôn lại bởi không gian làng Chùa nữa, nó vượt qua mọi khoảng cách để trở thành một cố hương trong tâm tưởng, trong tâm hồn thi sĩ.