Người bị tạm giam vẫn có thể ký giấy tờ chuyển nhượng nhà đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Anh trai tôi hiện đang bị tạm giam do vướng vào một vụ án ma túy. Nay, anh tôi muốn “sang tên” nhà đất của anh ấy cho tôi có được không và làm thế nào để thực hiện được việc đó? Nguyễn Thị Quỳnh Nga (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng VPLS Giang Thanh; Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 167 - Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng. Như vậy, anh bạn nếu muốn làm thủ tục chuyển nhà đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu anh bạn sang cho bạn thì phải lập hợp đồng có công chứng. Việc công chứng vào hợp đồng này do công chứng viên thực hiện.

Theo đó, Điều 48 - Luật Công chứng 2014 quy định, người yêu cầu công chứng phải ký vào hợp đồng trước mặt công chứng viên. Điều này có nghĩa là công chứng viên phải chứng kiến hai anh em bạn trực tiếp ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà đất. Đối với bạn, do bạn đang tự do nên việc ký tên, điểm chỉ không phải là vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, anh trai bạn thì lại đang bị tạm giam nên vấn đề này phải trải qua nhiều thủ tục chặt chẽ.

Về mặt pháp lý, công chứng viên có thể vào cơ sở giam giữ để thực hiện việc công chứng (khoản 2, Điều 44 - Luật Công chứng 2014), còn người bị tạm giam có thể thực hiện giao dịch dân sự cần thiết nhưng phải được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án (khoản 3, Điều 19 - Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015). Để có thể ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, bạn hoặc anh trai bạn phải có đơn gửi cơ quan đang thụ lý vụ án của anh bạn (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát hoặc Tòa án) và cơ sở giam giữ để đề nghị các cơ quan này cho phép hai anh em bạn làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cũng như cho phép công chứng viên được vào trại tạm giam để chứng kiến các bên ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng. Khi được sự đồng ý của các cơ quan này, bạn, anh trai bạn và công chứng viên mới có thể thực hiện được ý định mà hai anh em bạn mong muốn.

Mọi giao dịch dân sự của người bị tạm giam phải được sự đồng ý của cơ quan thụ lý vụ án (Ảnh minh họa)

Mọi giao dịch dân sự của người bị tạm giam phải được sự đồng ý của cơ quan thụ lý vụ án (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người bị tạm giữ, tạm giam tiến hành giao dịch dân sự bắt buộc công chứng, chứng thực nên sẽ có nhiều cách hiểu, cách giải quyết khác nhau. Vì vậy, bạn cần liên hệ với văn phòng công chứng có kinh nghiệm khi làm việc tại cơ sở giam giữ để được hướng dẫn đầy đủ.