Người bị tạm giam mắc bệnh hiểm nghèo chỉ là một trong các căn cứ để xem xét cho tại ngoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua, sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố, một số bị can bị tạm giam, tạm giữ đã xin được tại ngoại để chữa bệnh. Vậy điều kiện để được tại ngoại là gì, nộp tiền để tại ngoại được áp dụng khi nào?

Chỉ được tại ngoại khi thỏa mãn điều kiện luật định

Điều 119 Bộ luật TTHS 2015 quy định, một người sẽ bị tạm giam nếu tội phạm gây ra có thể là tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.

Trường hợp tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng có hình phạt tù trên 2 năm bị tạm giam khi: Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm; Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can; Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn; Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội...

Để được tại ngoại thì người bị khởi tố phải được bảo lãnh hoặc đặt tiền để bảo đảm (ảnh minh họa)

Để được tại ngoại thì người bị khởi tố phải được bảo lãnh hoặc đặt tiền để bảo đảm (ảnh minh họa)

Như vậy, về nguyên tắc, nghi phạm nào cũng có thể được cơ quan có thẩm quyền cho tại ngoại nếu như thỏa mãn các điều kiện luật định. Nếu mức độ của hành vi phạm tội chưa đến mức phải tạm giam và việc cho người này tại ngoại không gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có quan tiến hành tố tụng có thể xem xét cho bị can tại ngoại - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Thông thường, người thực hiện hành vi phạm tội có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, có chỗ ở rõ ràng, không có căn cứ cho thấy họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn... thì có thể được xem xét cho tại ngoại. Việc người bị tạm giam mắc bệnh hiểm nghèo chỉ là một trong các căn cứ để xem xét có cho tại ngoại hay không.

Chỉ được tại ngoại khi đặt tiền bảo đảm hoặc có người bảo lãnh?

Cũng theo quy định tại Bộ luật TTHS 2015, để được tại ngoại thì người bị khởi tố phải được bảo lĩnh hoặc đặt tiền để bảo đảm. Đây là 2 biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.

Theo đó, để được bảo lãnh hoặc đặt tiền để bảo đảm, người bị khởi tố hoặc thân thích của người này phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ theo quy định.

Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định cho đối tượng này được tại ngoại mà không phải tạm giam. Để bị can được bảo lãnh thì người đứng ra bảo lãnh có thể là người thân thích hoặc là tổ chức, cơ quan mà bị can là người của tổ chức, cơ quan đó - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Điều 121 Bộ luật TTHS 2015 quy định về bảo lĩnh. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lãnh cho bị can, bị cáo là người thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 2 người. Cá nhân nhận bảo lãnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Còn theo Điều 122 Bộ luật TTHS, nộp tiền để tại ngoại được áp dụng khi:

Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định. Đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần mà không có hoặc không đủ tiền để đặt bảo đảm thì xem xét đến khả năng tài chính của người đại diện hợp pháp của họ.

Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử. Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.

Ngoài ra, Bộ luật TTHS cũng quy định không áp dụng biện pháp nộp tiền để tại ngoại nếu thuộc một trong các trường hợp: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; Phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người; phạm tội rất nghiêm trọng thuộc loại tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế…

Mức tiền đặt để đảm bảo do cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng không dưới 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.