Người bệnh sẽ được chọn giờ, chọn bác sĩ khám và không phải xếp hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tới đây, việc hẹn giờ khám, chữa bệnh trực tuyến sẽ được áp dụng tại tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng với tất cả đối tượng người bệnh bảo hiểm y tế và khám dịch vụ theo yêu cầu…
Phòng tư vấn và nhận đặt lịch khám chữa bệnh qua điện thoại của một bệnh viện ở Hà Nội

Phòng tư vấn và nhận đặt lịch khám chữa bệnh qua điện thoại của một bệnh viện ở Hà Nội

Ngày 23-4, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, thời gian qua, việc hẹn giờ khám, chữa bệnh đã từng bước được một số bệnh viện triển khai nhưng chưa đồng bộ, toàn diện nên người bệnh vẫn phải đi sớm, xếp hàng nhiều khâu như chờ đăng ký khám bệnh, chờ nộp viện phí, chờ làm cận lâm sàng, chờ phát thuốc…

Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đang hoàn thiện Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến”, giúp các bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh cũng như công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn, bước đầu làm thay đổi toàn diện hoạt động khám bệnh chữa bệnh.

Theo đó, tới đây, hoạt động đặt lịch hẹn khám, chữa bệnh trực tuyến được sử dụng tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng với tất cả các đối tượng người bệnh bảo hiểm y tế và khám dịch vụ theo yêu cầu.

Mục tiêu của đề án nhằm giúp người bệnh hạn chế phải xếp hàng, chủ động chọn giờ và bác sỹ khám, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt và được tạm ứng trước, rút ngắn một nửa thời gian khám bệnh, chữa bệnh so với việc đến khám, chữa bệnh trực tiếp như hiện tại.

Cũng theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thực hiện Đề án “Đặt lịch Khám, chữa bệnh trực tuyến” sẽ là tiền đề và kinh nghiệm để triển khai hiệu quả Đề án Áp dụng hồ sơ sức khỏe cá nhân trong hoạt động quản lý, khám bệnh, chữa bệnh.

Hiện nay, yêu cầu đầu tiên đặt ra với hệ thống phần mềm này là người dân chỉ cần nhập số sổ Bảo hiểm y tế (BHYT) vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số BHYT đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào…

Yêu cầu thứ 2 là cần thống nhất chỉ có một cổng cho toàn bộ người dân truy cập (hệ thống toàn tuyến), để giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó.

Mục tiêu lớn nhất của Hồ sơ sức khoẻ điện tử này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh ở mọi tuyến.

Hiện Cục Quản lý Khám chữa bệnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan để sớm xây dựng được phần mềm đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến dùng chung cho các bệnh viện. Trước mắt sẽ thực hiện thí điểm tại một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.