Người bán thận cũng có thể bị xử lý hình sự

ANTD.VN -Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 19-6, Cơ quan CSĐT, CAQ Hà Đông, Hà đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1983, HKTT tại Đồng Triều, Quảng Ninh) về hành vi mua bán bộ phận cơ thể người theo Điều 154 BLHS 2015.

Với thủ đoạn đứng giữa cò mồi, tìm những người có hoàn cảnh khó khăn để bán thận và người có nhu cầu ghép thận, Nguyễn Mạnh Hùng đã  “đút túi” hàng trăm triệu đồng tiền chênh lệch.

Về hành vi trên, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 154 về Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định, người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức. Vì mục đích thương mại; Đối với từ 2-5 người; Phạm tội 2 lần trở lên… thì bị phạt tù từ 7-15 năm. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; đối với 6 người trở lên hoặc gây chết người…thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Đối tượng Nguyễn Mạnh Hùng tại cơ quan công an

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm 

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, mô và bộ phận cơ thể con người là đối tượng tác động trực tiếp của tội phạm. Hành vi mua bán nội tạng người là nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật nghiêm cấm. Người phạm tội tiến hành mua bán chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người một cách cố ý. Người phạm tội thấy trước được hành động của mình sẽ là hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện, biết hậu quả xảy ra và mong muốn hậu quả xảy ra.

Khoản 8 Điều 11 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 cũng nghiêm cấm các hành vi: Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 11/2019 đến khi bị bắt giữ, Nguyễn Mạnh Hùng đã thực hiện nhiều lần môi giới mua bán thận, mỗi lần mua bán hưởng chênh từ 100-200 triệu đồng. Tại thời điểm bị bắt, Hùng đang nuôi một phụ nữ có nhu cầu bán thận với giá 250 triệu đồng. Hành vi phạm tội của đối tượng được xác định giữ vai trò chính, là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc mua bán bộ phận cơ thể người.

Về trách nhiệm pháp lý của người bán thận, Luật sư Hồng Vân cho biết, nguyên tắc trong việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác là tự nguyện; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học… không nhằm mục đích thương mại.

Mua, bán mô hoặc bộ phận cơ thể người có thể chỉ là hành vi mua hoặc là hành vi bán hoặc bao gồm cả hai. Vì vậy, người bán thận trong các vụ án, dù đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống, hiểu biết pháp luật hạn chế, ở góc độ xã hội, họ cũng là nạn nhân của việc mua bán thận và bị thiệt hại về sức khỏe song cần hiểu đây là hành vi tự hủy hoại sức khỏe và vi phạm pháp luật.

"Theo quy định hiện hành, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng này có thể bị xử lý hình sự. Song cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc về hành vi, mức độ, hoàn cảnh của những người bán thận để có hình thức xử lý hợp tình, hợp lý" - Luật sư Hồng Vân đề xuất.