Người bán hàng online có trách nhiệm gì với hàng hóa và khách hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Pháp luật quy định người bán hàng bằng hình thức thương mại điện tử (TMĐT) bên cạnh việc cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm bán ra thì cần công khai đầu mối tiếp nhận khiếu nại của khách hàng.
Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm online với các quy định mới

Người tiêu dùng yên tâm hơn khi mua sắm online với các quy định mới

Theo quy đinh mới tại Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử vừa được Chính phủ ban hành người bán hàng trực tuyến (online) cần cung cấp thông tin chi tiết về hàng hoá, dịch vụ đối với website TMĐT bán hàng.

Cụ thể, đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.

Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.

Như vậy, người tiêu dùng khi tiến hành các giao dịch mua sắm hàng hóa, sản phẩm được giới thiệu trên website TMĐT sẽ được cung cấp các thông tin chi tiết về hàng hóa, sản phẩm, giúp hạn chế tình trạng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ do người bán đăng tải.

Bên cạnh đó, Nghị định 85/2021/NĐ-CP cũng quy định trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng như sau: “Thương nhân chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý Nhà nước về các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đầu mối này sẽ cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận yêu cầu để kịp thời phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo;

Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch TMĐT giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ do thương nhân nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế của người bán nước ngoài khi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam;

Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng trong trường hợp một giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch TMĐT có nhiều hơn 2 bên tham gia”.

Như vậy, quy định mới sẽ ràng buộc trách nhiệm lớn hơn của các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến trong công tác giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cho biết, hiện nay, các sàn TMĐT đều phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trong trong việc xác minh và giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nói chung và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói riêng.

Tuy vậy, với quy định mới này, người tiêu dùng sẽ “an tâm” hơn khi tiến hành giao dịch các giao dịch trên sàn TMĐT có nhiều hơn 2 bên tham gia hay khi các giao dịch thực hiện với người bán nước ngoài.