Người Australia lo bị dân Trung Quốc "vơ vét" sữa trẻ em

ANTĐ - Nhu cầu về sữa bột gia tăng ở một thị trường đông dân như Trung Quốc khiến các bà mẹ người Australia “vạ lây” vì thiếu sữa để nuôi con. Dư luận nước này bức xúc suốt mấy ngày nay sau khi một bà mẹ ở Melbourne đăng ảnh một nhóm người Trung Quốc lao vào một siêu thị và trở ra thanh toán, để lại quầy sữa bột trẻ em trống rỗng.

Người Australia lo bị dân Trung Quốc "vơ vét" sữa trẻ em ảnh 1Các bà mẹ Australia bức xúc vì bị người Trung Quốc mua hết sữa bột nước này

“Quê hương” của sữa bỗng dưng khan hàng

Cuối tuần qua, Jessica Hay, một bà mẹ ở Melbourne đã tạo nên một “cơn bão” trên Facebook  khi đăng bức ảnh một người mua một xe đầy sữa công thức Platinum A2 tại một siêu thị Woolworths, cho dù ở đó áp dụng quy định mỗi khách chỉ được mua tối đa 8 lon sữa bột.

Chưa hết, một người khác cùng nhóm còn “đứng canh” những hộp sữa còn lại trên quầy. Bức ảnh khiến nhiều người Australia “nổi sóng” giận dữ bởi từ vài tháng nay, một số nhãn hàng sữa được yêu thích ở Australia trở nên khan hiếm và khách hàng bị hạn chế mua. “Tôi không thể tin người ta cho phép làm như vậy. Chúng tôi đều phải nuôi con, có nơi mỗi người chỉ được mua hạn chế 1-2 hộp trong khi người kia rời khỏi cửa hàng với cả đống như vậy?”, khách hàng Melissa McKay bức xúc. Woolworths ngay lập tức hứa sẽ điều tra vụ việc sau khi nhận được những phản ứng giận dữ như vậy.

Bellamy - nhà sản xuất sữa bột hữu cơ có tiếng của Australia cũng không tránh khỏi cảnh bị các khách hàng địa phương trút giận. Một số khách hàng phàn nàn rằng họ phải tìm 15 cửa hàng mới kiếm được loại mà con họ hay dùng. Có những lúc các bậc cha mẹ ở đây gần như phải tranh giành nhau để mua được hàng. Một số bà mẹ chất vấn là tại sao một công ty Australia được xây dựng trên sự tín nhiệm của khách hàng Australia mà lại không ưu tiên thị trường địa phương. “Thật nực cười. Con tôi đã dùng đến hộp sữa Bellamy cuối cùng, tìm khắp nơi không thấy hộp số 3 nào bán, vậy mà trên các trang bán hàng của Trung Quốc còn những 4.159 hộp”, khách hàng Sharon Aidan Mac chia sẻ trên trang Facebook của Bellamy. 

Bellamy và A2 - hai nhãn hàng sữa Australia được người Trung Quốc ưa chuộng, có sản lượng tiêu thụ tăng vọt trong 6 tháng qua nhưng sản xuất vẫn không kịp để đưa ra thị trường. “Trung Quốc có 20 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm, trong khi con số này ở Australia là 300.000 trẻ. Không cần phải là nhà toán học bạn cũng có thể hình dung nhu cầu từ Trung Quốc lớn đến thế nào”, Giám đốc điều hành của Bellamy Laura McBain giải thích, đồng thời công ty có trụ sở tại Tasmania này trấn an dư luận rằng họ sẽ “tăng tốc ở mức nhanh nhất có thể”.

Bị khách hàng Trung Quốc áp đảo

Sau sự cố về sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến 6 trẻ nhỏ thiệt mạng và 300.000 trẻ em khác mắc bệnh, các bậc cha mẹ Trung Quốc đổ xô sang mua sữa bột trẻ em của Australia. Các công ty Australia và New Zealand xuất khẩu sang Trung Quốc và đã thu lợi nhuận lớn từ thị trường này. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh Trung Quốc vẫn thích mua “hàng xách tay” thông qua những người có mối hàng đưa trực tiếp về từ Australia. Với họ, mua kiểu này nguy cơ giả mạo ít hơn so với các sản phẩm được các nhà bán lẻ của Trung Quốc phân phối.

Do nhu cầu cao, mặt hàng sữa “xách tay” của Australia đem đến lợi nhuận khổng lồ cho những người kinh doanh trên mạng. Những người bán hàng này quảng cáo trên các trang thương mại điện tử như eBay hay Taobao thường bán một hộp sữa công thức A2 với giá 190USD, trong khi giá bán tại thị trường Australia là 30 USD, tăng hơn 6 lần. Tương tự, một hộp sữa bột Organic Bellamy giá niêm yết là 24,7 USD nhưng người tiêu dùng Trung Quốc có thể phải mua tới 150 USD. Người Trung Quốc thường chỉ có 1 con nên dù có đắt họ vẫn mua loại sữa được coi là tốt nhất cho con.

Bởi vậy, các lái buôn Trung Quốc tìm mọi cách để “vơ vét” hàng từ Australia bán kiếm lời. Trong cả tháng 10 vừa qua, người ta tận dụng khách du lịch, sinh viên du học hay Hoa kiều ở 

Australia để đưa sữa bột về Trung Quốc. Việc này là nhằm tích trữ hàng chuẩn bị tung ra đúng ngày 11-11 - ngày “siêu khủng” đối với hoạt động mua bán trực tuyến ở Trung Quốc. 

Các chuyên gia thị trường Australia nhận định sau “cơn sốt” ngày 11-11 ở Trung Quốc, tình trạng khan hiếm sữa trên thị trường có thể dịu bớt. Tuy vậy, nhiều người đang kêu gọi Chính phủ can thiệp, ngừng xuất khẩu sữa bột trẻ em cho đến khi hiện tượng khan hàng được giải quyết.