Ngược thượng nguồn sông Mã

ANTĐ - Chúng tôi hướng về phía Tây biên giới, băng qua đồng nước mênh mang Mường Lay tìm đến đất Điện Biên để rồi từ đây hòa mình vào nơi khởi thủy của dòng sông Mã chảy sang từ nước bạn Lào. Chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa bỗng chốc hiện về trên suốt quãng đường 100km Điện Biên Đông - Sông Mã, con đường cho tới nay vẫn bụi mờ đất đỏ gập ghềnh lên xuống.

Từ thị trấn Điện Biên Đông vượt 7km đường núi dốc đá sẽ gặp con suối Lư cắt ngang đường khiến bạn phải băng qua cây cầu tre đan được đồng bào nơi đây bắc qua mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Từ đây để tới được Mường Luân mất khoảng 4 giờ mới đi hết 23km đầy gian khổ với nhiều vũng lầy. Con đường đất vốn không có nền ấy cứ gặp mưa lại lún xuống tạo thành những hố sâu khiến xe chưa kịp thoát khỏi miệng hố trước đã kịp chạm mép hố sau. Phương tiện đi lại chủ yếu ở đây là xe Win bởi độ khỏe của động cơ, vào mùa thu hoạch chỉ những chiếc xe tải có “niên đại” từ thế kỷ trước mới vào được tận nơi để thu mua nông sản. 

Mường Luân nằm trên chặng đường xe chúng tôi qua, một bản người Việt gốc Lào cổ đã định cư dọc sông từ hơn bốn thế kỷ nay (từ cuối thế kỷ 16) với di tích là cụm tháp cổ Mường Luân có lối kiến trúc thượng thu hạ thách mang dấu ấn của các cụm tháp Lào, với những họa tiết rắn, nữ thần, hoa sen được kết hợp độc đáo. Tháp Mường Luân là một trong bốn ngôi tháp cổ nhất nước ta hiện nay, được xây dựng vào khoảng những năm 1570 đến 1590. Đây cũng chính là nơi những dòng suối lớn nhỏ từ các khe núi dồn về hợp lưu với dòng Nậm Núa tạo thành Sông Mã. Chảy qua Bó Sinh, huyện Sông Mã, Chiềng Khương rồi chảy sang Lào, lại trở về Tén Tằn - Mường Lát, Quan Hóa và đổ ra biển ở cửa Hới, tới đây sông đã chảy trọn 410km trên lãnh thổ Việt Nam. 

Chặng đường dài chừng 70km trên tỉnh lộ 115 nhưng thực chất chỉ là con đường đất (có đoạn là đá hộc đan xen với một quãng ngắn đường bê tông liên huyện) men triền núi dọc theo sông qua Pá Ma, Bó Sinh, Mường Nưa, Nà Dìa, Chiềng Sơ. Và chỉ tới khi về đến địa phận huyện Sông Mã, dòng sông mới dịu hiền uốn lượn phô bày vẻ đẹp ban sơ đầy lôi cuốn, đâu đó ven sông những cô gái Thái đang rủ áng tóc mây bên bờ sông mẹ. Và cũng kể từ đây, núi hạ dần độ cao, sông Mã hiện diện rõ nét trong đời sống của người dân. Những chuyến đò ngang, phía xa xa những nương ngô, nương lúa xanh ngút ngàn hứa hẹn đời sống no ấm hơn đang ôm ấp bao phủ khắp núi rừng. Đây là nơi cộng cư của gần một chục dân tộc anh em, như: Phù Lá, Khơ Mú, Lào, Mường, Xinh Mun, Thái, H’mông…

Hôm sau, trên chặng đường về khi qua ngả Bắc Yên - Phù Yên mà đâu đó trong mỗi chúng tôi vẫn còn vương vấn “hồn lau nẻo bến bờ” trên những chặng đường Tây Tiến đã qua.