Ngược dòng với cuộc chơi mới

ANTĐ - Bứt lên từ thương hiệu “Gốm Nhung” nổi tiếng, người “cho đất nở hoa” xứ Kinh Bắc - Vũ Hữu Nhung đã tự tạo cho mình con đường mới trong điêu khắc gốm, để hòa vào sự bình dị chân quê của gốm Phù Lãng, tạo sức sống mới cho gốm Việt.     

Nghệ nhân Vũ Hữu Nhung bên cạnh những tác phẩm trong triển lãm “Sự sống”

Không sắm vai “ông chủ”

Sinh ra tại làng quê gốm Phù Lãng, theo đuổi ngành điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng khi ra trường Vũ Hữu Nhung lại chọn Bát Tràng – “thánh địa” gốm để “tầm sư học đạo”. Người ta thường cho rằng gốm Bát Tràng mỹ miều và bóng bẩy hơn so với gốm Phù Lãng dung dị, mộc mạc, nhưng bất chấp sự khác biệt về phong cách, Vũ Hữu Nhung vẫn muốn học thử để tìm hiểu cách sản xuất, làm ăn, nâng cao tay nghề. 

Năm 2001, Nhung tổ chức thành công cuộc triển lãm đầu tay, nhận được sự chú ý từ giới chuyên môn. Trong suốt thời gian đó, anh đã làm chủ một dây chuyền, nhà xưởng, có công ty riêng chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ. Sự khởi đầu có phần thuận lợi này lại không khiến Vũ Hữu Nhung hài lòng. Cảm thấy sắm vai “ông chủ” không phù hợp, anh bỏ hẳn công việc sản xuất để về trường giảng dạy và tiếp tục tìm tòi, sáng tạo. Anh chia sẻ: “Quyết định dừng lại là “dừng” kinh tế, dừng cả câu chuyện của mình. Vừa ảnh hưởng thu nhập, một phần khiến tôi băn khoăn, hướng đi mới này có đúng không”. 

Vũ Hữu Nhung cho biết, anh từng rất băn khoăn trước mỗi lần tổ chức triển lãm: “Muốn làm triển lãm lắm, nhưng tôi nghĩ chưa đủ lượng, chưa đủ độ, thế là lại thôi”. Không rõ là bản tính khiêm tốn hay cầu toàn mà hết lần này đến lần khác trì hoãn, khoảng thời gian đến khi cuộc triển lãm thứ hai thành hình là… 13 năm. Và trong suốt quá trình chuẩn bị cho “Sự sống”, anh miệt mài làm việc cả năm trời để cho ra mắt những đứa con tinh thần hoàn hảo.  

Những tổ hợp gốm gắn kết với nhau như đang đối thoại

Đưa san hô… lên cạn 

Ý tưởng về những đầu người san hô trong triển lãm “Sự sống” (triển lãm đang diễn ra ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) bắt nguồn từ một sự tìm tòi có ý thức. Khi xem tư liệu về một bảo tàng dưới đại dương ở Mexico, Vũ Hữu Nhung thấy họ làm những bức tượng bê tông, rồi đưa xuống đại dương để thủy sinh bám lên, tạo thành những mảng san hô cực kỳ ấn tượng. Anh tự hỏi tại sao không hoàn thiện những mảng san hô này trên cạn mà lại phải cất công đưa xuống biển. Thế là anh tự tìm cách “cấy” những mảng “tóc san hô” lên đầu những bức tượng.

Chính ý tưởng từ san hô này, anh đã nhân lên, phóng to nó lên để tạo thành những tổ hợp, đa nguyên gốm. Những bức tượng gốm kết dính lúc thì như những mảng xương rồng, lúc như đám người… đối thoại, trò chuyện với nhau. Một điểm đặc biệt đó là Vũ Hữu Nhung đã tạo ra một sắc màu rất lạ cho gốm. Cái màu khó gọi tên, đan sắc giữa đen, ghi xanh, nâu vừa bí ẩn, vừa “mời gọi” trí tưởng tượng này là một thành quả nghiên cứu về cả kỹ thuật và mỹ thuật của nghệ nhân gốm Kinh Bắc. Chất gốm khi chạm vào có cảm giác căng, mịn chứ không sần sùi, tưởng như đơn giản, nhưng lại là sự kỳ công của người nghệ sỹ. Chính những điều này đã khiến những cái đẹp, cái duyên trong những bức tượng gốm được đẩy bật lên và khiến người yêu gốm tìm thấy sự đồng cảm với những tác phẩm của anh. 

Giữa rất nhiều nghệ sỹ đã và đang theo đuổi nghề gốm thì việc tạo dựng một phong cách, không phải là chuyện đơn giản. Vũ Hữu Nhung tạo cho gốm Phù Lãng một hơi thở mới, nhưng vẫn trăn trở giữ lại những nét duyên dáng, giản dị của một làng gốm truyền thống. Đúng như họa sỹ Lương Xuân Đoàn đã nói: “Với Vũ Hữu Nhung, cái tình chi mà cốt đất dẻo mềm và màu men thôn dã quê mẹ vẫn âm thầm trợ duyên để cậu trai làng ngày nào dám bước ra khỏi lực hút vô hình của thị trường, tiếp tục ngược dòng với cuộc chơi mới…”.