Ngược đãi cha mẹ già: Không thể tha thứ

ANTĐ - Tôi có cô bạn thân từ thuở nhỏ, mấy năm bận rộn làm ăn nay về quê mới có dịp gặp lại. Chưa được dăm ba câu chuyện chị ta đã than thở về tình huống dở khóc dở cười vì bà mẹ chồng. Bà cụ 70 tuổi, cụ ông mất cách đây gần chục năm trời nhưng bà không chịu ở với các con mà lủi thủi trồng rau rồi cóp nhặt mang ra chợ bán.

Cách đây 2 tháng, nhà có đám giỗ, bà có đưa cho vợ chồng chị 5 triệu đồng nhờ giữ hộ trước mặt tất cả các con cháu trong nhà. Vậy mà mấy hôm nay không biết thế nào bà cụ lại đứng trước cửa nhà chửi ra chửi vào không biết đứa nào lấy trộm tiền của bà. Không những thế, bà còn lên tận nhà chị bạn tôi làm ầm lên với hàng xóm láng giềng rằng con dâu ăn cướp tiền của mẹ chồng. Chị thì khóc lên khóc xuống làm anh chồng cũng hoảng hồn. Mấy anh em trong nhà họp nhau lại, đưa mẹ già đi bệnh viện khám thì mới tá hỏa, lâu nay bà ăn uống thiếu chất, lại ở một mình nên bị mắc bệnh đãng trí rồi lẩm cẩm lúc nào không hay.

Trường hợp trên không phải hiếm gặp trong xã hội ta. Khi các con trưởng thành và đều xum vầy bên gia đình riêng, vậy là cha mẹ lạc lõng trong thế giới của các con. Một số gia đình, các cụ ông cụ bà còn sống bên nhau vui vầy nhưng có những gia đình, cụ ông hoặc cụ bà “đi” trước vậy là người ở lại bơ vơ trong cảnh con đàn cháu đống nhưng lại không một mái nhà. Nếu trước đây, trong các câu chuyện người ta kể cho nhau nghe về cha mẹ, bao giờ cũng là “chữ hiếu đứng đầu trong trăm nết”, tức là người con được ở bên cha mẹ, được chăm sóc cha mẹ là niềm vui, niềm hạnh phúc thì ngày nay dường như quan niệm ấy đang dần bị mất đi.

Những thái độ sống ích kỷ của lớp người thời nay coi trọng lợi ích bản thân đang len lỏi vào từng gia đình, trong cách ứng xử của lớp con trẻ đối với mẹ cha khiến cho xã hội ta có nhiều thêm những trường hợp xuống cấp đạo đức trong ứng xử giữa con cái đối với cha mẹ. Nhìn rộng ra, đây chính là sự đánh mất đi tính nhân đạo, lòng thương người đối với con người mà biểu hiện gần gũi nhất, nguy hiểm nhất chính là giữa người đã sinh thành dưỡng dục ra ta và bản thân ta. 

Ngược đãi cha mẹ

Mới đây trên báo chí đăng tải thông tin về trường hợp con rể nhét bùn đất vào mồm mẹ vợ ở thôn Cao Xá (Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Nhiều trang mạng điện tử đưa tin về sự việc như sau: bà Nhưng bị vợ chồng cô con gái cả đánh và nhét bùn đất vào mồm chỉ vì dám đòi lại số tiền đã cho con gái vay. Xưa nay chỉ có con cái hỗn láo “dám” cãi lời cha mẹ. Nhưng bây giờ thì vị trí đó bị đảo lộn. Con cái ngang hàng với mẹ cha, thậm chí còn tự cho mình trên cha mẹ bởi vì cha mẹ già phải phụ thuộc vào con cái. Tâm lý phụng dưỡng cha mẹ là niềm vui, niềm hạnh phúc không còn nữa mà ngược lại. Việc đó như là một gánh nặng, một trách nhiệm không hề có niềm vui, không hề có lòng yêu thương, kính trọng. 

Con cái trong nhà đánh nhau vì chút tài sản cha mẹ để lại lúc cuối đời trở thành nguyên nhân của các cuộc cãi vã, đánh đập và đâm chém lẫn nhau không còn là chuyện lạ. Nhiều gia đình, khi cha mẹ còn của cải thì xin được phụng dưỡng, đến khi “đào mỏ” xong thì cha mẹ trở thành... người thừa. Trong trường hợp của bà Nhưng bà đã một mình nuôi hai con gái khôn lớn. Đến cuối đời, bà Nhưng bán miếng đất được 1,35 tỷ đồng đồng, chia cho mỗi cô con gái 600 triệu còn 150 triệu định gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng chi tiêu cho cuộc sống thì chị Sâm (con gái lớn của bà Nhưng) đã hỏi vay số tiền còn lại và hứa sẽ đứng ra phụng dưỡng mẹ. Nhưng sau khi nhận tiền vay, thì vợ chồng chị Sâm đã không chăm sóc mẹ mà còn nhiều lần lăng mạ, mắng chửi thậm tệ.  

Trước, cụ Nhân bị con cái đẩy ra đường ở phố Núi Trúc đã gây ra sự phẫn nộ trong dư luận thì giờ đây hiện tượng con cái giết cha mẹ đang xảy ra ngày càng nhiều hơn. Cách đây mấy ngày, tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, Đăk Lăk, ông Nguyễn Bá Chúc (53 tuổi,) vì trước đó đã khuyên con trai nên tu chí làm ăn đã bị con trai đổ xăng lên người và đốt cháy. Khi ông Chúc chạy ra giếng cạnh chòi mở nắp nhảy xuống để dập lửa thì gã nghịch tử cầm đá đuổi theo ném xuống giếng. Trước đó, ngày 26-10, Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM cho biết đang làm giám định cho một vụ án mạng hết sức dã man và thương tâm: Con giết mẹ. Kẻ gây án tên N.T.L., sinh năm 1968, từ Bình Thuận về TP.HCM thăm mẹ ốm. Ai ngờ trong lúc bố đi vắng, L. uống rượu say, bị mẹ mắng, hắn ta lấy dao đâm mẹ đến chết. Sau khi gây án, L. lấy chăn đắp cho mẹ, tắt đèn rồi bỏ về.

Bài học làm người chưa được dạy đúng cách?

Bản chất, bi kịch con cái ngược đãi cha mẹ già xuất phát từ sự bất hiếu. Trước hết, trong quan niệm, lối sống của người Việt, cha mẹ trước hết luôn là những người hy sinh vì con cái. Chúng ta có thể làm tất cả mọi việc vì con cái, thậm chí là để nuông chiều những thói hư tật xấu của con mà quên mất nhiệm vụ chỉ ra cho con thấy công sức lao động và sự hy sinh lớn lao ấy khó khăn đến nhường nào. Chính vì  thế, trong đầu óc các bạn trẻ đã quen với ý nghĩ, đã là cha mẹ là phải hy sinh và con cái đương nhiên được thừa hưởng những quyền lợi đó.

Hành động cha mẹ bỏ rơi con cái đáng lên án như thế nào thì chuyện con cái ngược đãi cha mẹ cũng tương tự. Trong việc này, căn cứ để xã hội “định tội” là tình mẫu tử, phụ tử. Vốn dĩ đó là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất trong đời mà không thể thay thế được và thực tế công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong suốt cuộc đời người con không thể đong đếm nổi vì đó là sự hy sinh. Vậy nhưng một bộ phận trong chúng ta đã và đang đánh mất thứ tình cảm máu thịt ấy do trong lối sống của họ, đã là cha mẹ thì phải vì con cái, khi về già, cha mẹ nhanh chóng trở thành gánh nặng và phiền toái, “ăn bám” con cái vì già yếu.

Một điều đáng bàn nữa là rất nhiều những hành vi bạo lực gia đình đối với người cao tuổi đang tồn tại nhưng không được phát hiện. Chỉ khi họ bị đẩy ra đường, bị đánh đập nguy hiểm đến tính mạng... thì xã hội mới hay biết. Bởi vậy, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong việc phát hiện xử lý vô cùng quan trọng. Theo quy định của pháp luật, tại Điều 151 Bộ luật Hình sự - Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình: “Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt  tù từ ba tháng đến ba năm”. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục hòa giải, nếu phát hiện hành vi nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm để làm gương là điều rất cần thiết. 

Cuối cùng, việc chưa quan tâm xây dựng gia đình, chưa chú trọng đến các biện pháp giáo dục người trẻ về đạo đức trách nhiệm của người làm con ngay từ khi còn nhỏ. Qua lịch sử phát triển nhận thấy rằng, truyền thống tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam chính là nhiều gia đình thế hệ sống rất hạnh phúc. Nhưng lối sống về vật chất đã làm mai một dần truyền thống đó. Hiện nay, chúng ta chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế mà chưa chú tâm đến phát triển xã hội. Cần phải giáo dục trẻ về nhân cách sống, lòng nhân ái là gốc rễ của mọi sự phát triển.