"Ngược chiều gió" nêu lên thực tế của không ít các gia đình Việt

ANTD.VN - Sau thành công tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói Toàn quốc 2018 với Huy chương Vàng cho vở kịch “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, nhận được sự yêu mến của đông đảo khán giả yêu sân khấu, đạo diễn Sĩ Tiến tiếp tục dồn tâm huyết dàn dựng tác phẩm mới của mình với tên gọi “Ngược chiều gió”.

Từ kịch bản của nhà viết kịch trẻ Huệ Ninh, “Ngược chiều gió” khai thác những mảng tối trong cuộc sống gia đình thời hiện đại, những đấu tranh giằng xé giữa lý tưởng và thực tại, mâu thuẫn từ khoảng cách thế hệ, những chân giá trị đang mai một dần bởi cuộc sống kim tiền, và trên hết là ước vọng được sống thật với chính mình của tuổi trẻ.

Nhân vật chính trong kịch là Quế, một cô gái trẻ cá tính, có trí tuệ, luôn khao khát được sống là chính mình,  không chấp nhận sự áp đặt của gia đình. Bố mẹ Quế là những người có địa vị trong xã hội, muốn cô phải học giỏi, ngoan ngoãn như bố mẹ cô mong muốn. Hải – em trai Quế là một chàng trai nhút nhát, luôn cảm thấy cô đơn, cậu không tìm thấy hơi ấm bên người thân mà suốt ngày chỉ đắm mình trong thế giới riêng của mình một cách khó hiểu.

"Ngược chiều gió" là vở kịch tâm lý xã hội

Quế yêu Dũng, cậu bạn trai kém tuổi bất chấp sự phản đổi của bố mẹ, nhưng Quế vẫn luôn bảo vệ cho lý lẽ của mình bằng cách sống tự lập, không dựa dẫm vào gia đình. Từ những quan điểm sống khác nhau, mỗi cá nhân đều thiếu đi sự cân bằng gây nên sự xa cách.

Đạo diễn Sĩ Tiến chia sẻ, từ lâu rồi Nhà hát Tuổi trẻ đã mong muốn có những vở diễn phù hợp với lứa tuổi vị thành niên, nhưng vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và gần đây, đọc truyện của Huệ Ninh, anh thấy rằng đã chạm được vào những điều ấy. Nhưng khi chạm vào thì thấy sự khốc liệt trong quan điểm sống của người lớn tuổi và trẻ vị thành niên, giữa cha mẹ và con cái.

Xã hội thời kỳ nào cũng thế, giữa phụ huynh và con em của mình bao giờ cũng có một khoảng cách. Nay xã hội phát triển, khoảng cách này càng rộng hơn với nhịp sống gấp gáp, những bữa cơm quây quần giữa các thành viên trong gia đình bỗng trở nên xa xỉ và thưa vắng.

“Vở kịch nêu lên một thực tế của không ít các gia đình Việt Nam. Sự thành đạt, phù hoa và giả dối đã khiến những gia đình sống trong cùng một mái nhà trở nên xa lạ và giả dối. Đặc biệt, vở kịch đã đề cập đến việc không chấp nhận sự dối trá, cần thay đổi, không nói dối, sẵn sàng đối diện với những điều không còn phù hợp từ mối quan hệ gia đình ra ngoài xã hội”, đạo diễn Sĩ Tiến nói.

Đạo diễn Sĩ Tiến đã sử dụng sân khấu giản lược trong vở kịch này

Thuộc thể loại kịch tâm lý xã hội nhưng “Ngược chiều gió” được dàn dựng với chất liệu hiện đại, dễ xem với nhiều chi tiết hóm hỉnh, hài hước được đan cài một cách khéo léo khiến cho vở diễn cuốn hút người xem ở nhiều lứa tuổi. Không bị lệ thuộc vào cảnh trí, không bị rơi vào minh họa hay mô tả, đạo diễn Sĩ Tiến đã vẽ ra một không gian trên sân khấu để diễn viên thỏa sức sáng tạo, và khán giả có đất để tưởng tượng.

Sự giản lược và tối giản trên sân khấu không đồng nghĩa với sự tẻ nhạt, mà trái lại đã mang lại những hiệu quả thị giác nhất định đối với người xem. Không có cảnh trí rườm rà, khán giả chỉ tập trung dõi theo các diễn biến của câu chuyện và sống cùng vai diễn của các nghệ sỹ.  

Mỗi khán giả đã có những trải nghiệm riêng, soi rọi thấy chính mình qua những băn khoăn, lắng đọng và thổn thức. Hành trình “Ngược chiều gió” dù là dành cho người lớn, hay dành cho người trẻ, đích đến cuối cùng vẫn là cảm xúc.

Vở diễn có sự tham gia của diễn viên Bá Anh, Quang Ánh, Nguyệt Hằng, Hoa Thuý, Huyền Trang, Lệ Quyên, Duy Long, Anh Tuấn, Quỳnh Dương, Nguyễn Tú, Mạnh Đạt…  sẽ ra mắt khán giả vào 20h ngày 10/11 tại rạp Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.