Ngợp với 68.000 cơ hội việc làm

ANTĐ - Đầu vào cho một khu kinh tế vốn được đánh giá thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay và là mô hình kết hợp bài bản nhà nước-doanh nghiệp-người lao động đang gặp không ít vướng mắc khi cả doanh nghiệp lẫn trường học đều đang thiếu hụt đầu vào.

Các doanh nghiệp lẫn trường học đều khát nguồn tuyển

Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực

Một trong những điểm nóng về khả năng thiếu hụt lớn nguồn nhân lực hiện nay đang rơi vào khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh. Với chủ trương của nhà nước đưa khu kinh tế này thành mô hình đặc thù với sự phối hợp bài bản của nhà nước-doanh nghiệp-người lao động, nơi đây trở thành 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước với ước tính nhu cầu việc làm đến năm 2015 là 67.777 lao động. Nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp rất đa dạng, được phân bổ rõ ràng theo từng lĩnh vực: cán bộ quản lý doanh nghiệp 12.104 người, cán bộ kỹ thuật 7.058 người, công nhân kỹ thuật 36.254 người, quản trị-hành chính 6.679 người, thương mại dịch vụ, phục vụ 5.682 người. 

Theo ông Nguyễn Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, khu kinh tế này hiện đã có 226 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh; trong đó có 77 dự án đầu tư, với số vốn đăng ký trên 16 tỷ USD và 40.284 tỷ đồng. Còn về phía nhà nước, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, từ năm 2009-2013 ngân sách Trung ương đã bố trí 585 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở đào tạo tại Hà Tĩnh như ĐH Hà Tĩnh, CĐ nghề Vũng Áng, CĐ Y tế Hà Tĩnh, Trung tâm giao dịch việc làm và hỗ trợ đào tạo nghề để góp phần hoàn thiện cơ sở vật chất đào tạo nhân lực có trình độ, tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho khu kinh tế này. Tuy nhiên, với thực tế triển khai từ năm 2010 đến nay, điều các nhà quản lý nhìn thấy là dù có đầy đủ các điều kiện quan trọng như vốn, hạ tầng thì vẫn tồn tại khoảng trống thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực để vận hành các dự án của khu kinh tế này.

Giao 1.200 chỉ tiêu - tuyển được 14 người

Vấn đề nóng được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các bộ, ngành giải đáp về khoảng trống này khi mà từ chủ trương của Nhà nước đến chính sách, vốn đầu tư lẫn nhu cầu có thật của doanh nghiệp vẫn chưa đủ sức hút lôi kéo người lao động. Hiện tại, khu kinh tế này có trên 12.000 lao động đang thường xuyên làm việc nhưng mới chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu lao động theo khảo sát đến giai đoạn này.

Một trong những nguyên nhân thấy rõ của việc thiếu hụt nhân lực là từ khâu đào tạo. Trong năm 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đã phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định cơ chế tuyển sinh đặc thù đối với 1.200 chỉ tiêu, với đầu mối phối hợp là Đại học Hà Tĩnh. Tuy nhiên, mùa tuyển sinh này, ĐH Hà Tĩnh đã “thất thu” khi chỉ tuyển được vỏn vẹn 14 sinh viên. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ       GD-ĐT, sinh viên của các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thì đang học tại các trường ĐH, CĐ, Trung cấp cả nước vào khoảng 42.000 sinh viên nhưng chỉ tập trung nhiều vào các trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Huế…

Thiếu đồng bộ

Các nguyên nhân được các nhà quản lý phân tích ở đây vẫn là tình trạng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do không ít doanh nghiệp chưa đưa ra lộ trình cụ thể để tuyển dụng, tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo cho người lao động chưa rõ ràng, số liệu điều tra chưa sát với nhu cầu nên chưa gắn với kế hoạch đào tạo. Ngoài ra, việc chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng được các trường thừa nhận. Trường CĐ nghề Việt – Đức Hà Tĩnh là trường có quy mô đào tạo lớn với quy mô hơn 3.000 sinh viên. Với số liệu thống kê được lãnh đạo trường này đưa ra là chỉ có 20-25% sinh viên tốt nghiệp của trường được tuyển dụng tại khu kinh tế Vũng Áng, còn lại 70-75% vẫn có việc làm nhưng phải tìm ở khu vực, ngành nghề khác. “Hiện tượng cung thừa, cầu thiếu ở đây khiến chúng tôi phải xem xét lại chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm… của đầu ra” – lãnh đạo trường CĐ Việt Đức-Hà Tĩnh cho biết.

Với quan điểm đây là mô hình để nhân rộng việc cung ứng nhân lực cho việc phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh hơn các giải pháp quyết liệt để đáp ứng nhu cầu hơn 60.000 nhân lực tại khu kinh tế này, trong đó đặt trách nhiệm xã hội lên hàng đầu để thu hút lao động.