Ngổn ngang trăm mối

ANTĐ - Sẽ chỉ còn 3 tháng để ĐT Việt Nam chuẩn bị cho AFF Cup 2014 - giải đấu mà thầy trò HLV Miura đặt mục tiêu ít nhất phải vào tới bán kết. Trước mắt ông thầy người Nhật là cả núi công việc và áp lực đè nặng.

HLV Miura phải thể hiện tốt hơn cá tính và năng lực của mình trên sân tập

Nỗi lo “một nách 3 con”

HLV Lê Thụy Hải sau chức vô địch V-League cùng Bình Dương đã đùa cợt: “HLV Van Gaal – người tôi rất nể phục, nói ông ta cần 3 tháng để đưa Manchester vào quỹ đạo. Còn tôi, với chừng đó thời gian đã đưa Bình Dương giành luôn chức vô địch”. Giờ thì HLV Miura cũng chỉ có vỏn vẹn 3 tháng và thậm chí xuất phát điểm còn thấp hơn đồng nghiệp Lê Thụy Hải như chính thừa nhận của ông thầy người Nhật: “Tôi chưa biết nhiều về bóng đá Việt Nam, bóng đá Đông Nam Á lại càng mù mờ”.

Điều đáng nói là riêng nhiệm vụ với ĐT Việt Nam đã rất nặng nề, ấy vậy mà ông Miura còn phải gánh thêm cả núi công việc của tuyển U23 lẫn… U19. Theo kế hoạch ngày 22-8 tới đây, cả ĐT Việt Nam (chuẩn bị cho AFF Cup) và U23 (chuẩn bị cho ASIAD 17) sẽ cùng hội quân và HLV Miura có nhiệm vụ phải quán xuyến. Chưa kể, ông thầy người Nhật còn được giao sang Myanmar để theo dõi U19 dự giải U19 Đông Nam Á để tuyển quân. Với lịch “chạy show” dày đặc, trong tình thế “một nách 3 con”, lại phải dành thời gian tìm hiểu học trò, tìm hiểu các đối thủ sắp tới của ĐT Việt Nam và U23, HLV Miura khó mà kham nổi, chứ chưa nói tới việc sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ ở từng đội tuyển.

Đội tuyển cần ông thầy cá tính

Hơn 2 tháng chính thức nhậm chức HLV trưởng ĐT Việt Nam, dấu ấn mà HLV Miura để lại là một ông thầy chăm chỉ, kỷ luật và khá “lành”. Người ta thấy ông đều đặn có mặt ở các sân V-League, chăm chú theo dõi, ghi chép và thi thoảng xuống sân bắt tay xã giao các HLV nội. Quãng thời gian tập trung cùng đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu đầu tiên gặp Myanmar hôm 2-7, quá ít ỏi để người ta có thể phác họa chân dung HLV người Nhật. Ngay bản thân các cầu thủ khi được hỏi cũng thừa nhận chưa hiểu hết về người sẽ dẫn dắt mình trong thời gian tới. Và khi giữa thầy và trò còn chưa hiểu về nhau thì rất khó có thể hợp tác thành công.

Sau buổi lễ bốc thăm chia bảng AFF Cup 2014, ông Miura khẳng định sẽ trẻ hóa lực lượng.

Đây được xem như việc cần phải làm trong bối cảnh đội tuyển quá nhiều cầu thủ dần sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Hơn nữa, việc trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ có khát khao sẽ tăng tính cạnh tranh, đào thải và làm lợi cho đội tuyển. Trên lý thuyết, trẻ hóa là chủ trương đúng nhưng sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng cho tân HLV người Nhật. Xưa nay, trong nội bộ đội tuyển vẫn tồn tại những “cơn sóng ngầm”. HLV Phan Thanh Hùng – người từng dẫn dắt ĐT Việt Nam thất bại ở AFF 2012, trong bản “kiểm điểm” dài 5 trang A4 gửi VFF đã chua chát thừa nhận bên cạnh lý do lực lượng tổn thất vì chấn thương trước giải thì còn một số tuyển thủ thiếu khát khao cống hiến. Đó là giải đấu bị cho là đã có một nhóm cầu thủ câu kết để “phá” HLV Phan Thanh Hùng mà sau này, VFF khẳng định đã cho tất cả vào “danh sách đen”. Ở đội tuyển, ngoài cầu thủ, HLV trưởng sẽ phải “đối phó” cả với chính những trợ lý của mình. Thực tế thì các HLV đều không có được ê-kíp trợ lý như mong muốn mà theo kiểu VFF “cho gì dùng nấy”. Không ít trường hợp, các trợ lý thay vì dùng sự am hiểu nội tình bóng đá Việt, am hiểu cầu thủ của mình để tư vấn lại chỉ chăm chăm “tố” và “phá” ghế HLV trưởng. Thế nên sau một thất bại của HLV trưởng, các trợ lý thay vì nhận một phần trách nhiệm về mình lại đổ hết lên đầu HLV trưởng, rồi nói theo kiểu “chúng tôi đã góp ý nhưng ông ấy không tiếp thu”.

Sở dĩ HLV Lê Thụy Hải có thể đưa “con tàu đắm” lên được đỉnh V-League 2014 cũng là nhờ cá tính đặc biệt của ông. Đó là cấp CLB, còn ở cấp ĐTQG, HLV trưởng thậm chí cần phải thể hiện cá tính mạnh hơn nữa. Mong là trong 3 tháng còn lại, HLV Miura sẽ thoát khỏi vỏ bọc “hiền khô” để trở thành một ông thầy cá tính.