Ngổn ngang tái cơ cấu doanh nghiệp

ANTĐ - 21 tháng (từ nay đến hết 31-12-2015) là thời gian để 432 doanh nghiệp thuộc khối doanh nghiệp trung ương phải hoàn thành quá trình tái cơ cấu. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề khi việc chuẩn bị vẫn ngổn ngang.

Vướng mắc lớn của doanh nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu chính là sắp xếp lại lao động

Cố bám trụ, ngại va chạm

Một trong những vướng mắc lớn của doanh nghiệp khi tiến hành tái cơ cấu chính là sắp xếp lại lao động. Ông Phạm Viết Muôn- Phó trưởng ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương cho hay, một số doanh nghiệp như: Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam có hàng nghìn lao động dôi dư cần sắp xếp nhưng chưa giải quyết được nên đã và đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam, trở ngại lớn nhất khi doanh nghiệp này tiến hành tái cơ cấu là quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp và tâm lý “bám trụ” để được làm việc trong doanh nghiệp nhà nước của một bộ phận người lao động. Theo quy định, các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại tổ chức, thay đổi cơ cấu sản phẩm, áp dụng công nghệ mới… mà dẫn đến dư thừa lao động và nếu không có nhu cầu sử dụng nữa thì được phép cho thôi việc. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn nể nang, cố tình không muốn tinh giản biên chế. Trong quá trình này, người có năng lực “cứng” sẵn sàng lĩnh trợ cấp, sau đó chuyển cơ quan, nhưng những người lao động trình độ kém hơn, thuộc diện có thể tinh giản lại thường có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cố gắng bám trụ. 

Cho rằng việc tái cơ cấu và thoái vốn ngoài ngành không phải là việc dễ dàng đối với doanh nghiệp, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) cho biết, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải triển khai rất quyết liệt. Tại VNA, để thực hiện tái cơ cấu, trong 3 năm, VNA đã “đóng cửa” biên chế toàn đơn vị, chỉ ưu tiên nguồn  nhân lực đặc thù như phi công, kỹ sư máy bay. Việc làm này khiến định biên lao động chỉ tăng 1% nhưng giúp tổng doanh thu vẫn tăng gần 20%. 

Phải đổi mới công tác quản trị

Bên cạnh những vướng mắc trong việc sắp xếp lại lực lượng lao động thì việc xác định giá trị tài sản trong cổ phần hóa, thoái vốn vẫn còn nhiều băn khoăn. Chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Theo tôi, vấn đề phức tạp trong tái cơ cấu là định giá và đất đai. Vấn đề này cần được xem xét toàn diện. Thủ tướng đã có quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp là rất đáng hoan nghênh, nhưng phải thay đổi về chính sách và quy chế thực hiện”. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn tái cơ cấu nhưng lại được định giá quá thấp khiến họ chưa tìm được hướng giải quyết thỏa đáng.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, Nghị quyết 15/2014/NQ-CP của Chính phủ cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp không được thoái vốn dưới mệnh giá bằng bất kỳ giá nào. 

Tái cơ cấu doanh nghiệp cũng đòi hỏi phải đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp. Tại một số tập đoàn, tổng công ty, năng lực quản trị chưa tương xứng với qui mô, vị trí của đơn vị. Công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn lỏng lẻo. Việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin, áp dụng công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại trong quản trị doanh nghiệp còn yếu. “Đổi mới quản trị doanh nghiệp phải làm thường xuyên, liên tục. Đây là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc. Có như vậy thì mới đem lại hiệu quả cho tái cơ cấu”- ông Phạm Viết Muôn nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ không về đích đúng hẹn bởi khối lượng công việc quá lớn. Nhưng theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thì đến 31-12-2015, cổ phần hóa doanh nghiệp nhiều khả năng hoàn thành. Vấn đề còn lại phải cần thêm khoảng thời gian 2 năm nữa là quyết toán cổ phần hóa.