Ngồi tù vì xâm phạm chỗ ở của... mình!

ANTĐ - Dù tranh chấp còn chưa được phân định rõ ràng, nhưng tòa án vẫn cho rằng có đủ cơ sở để quy kết các bị cáo đã phạm vào tội danh như truy tố. Đáng nói hơn, tội danh mà cấp tòa sơ thẩm xác định lại chẳng hề ăn nhập với hành vi khách quan trong thực tế.         

Ảnh minh họa: PHÚ KHÁNH

Lắt léo và kỳ quặc

Trên cơ sở truy tố của cơ quan tố tụng cùng cấp, ngày 20-9 vừa qua, TAND huyện Phúc Thọ đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Thu (SN 1965, trú ở xã Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội) 9 tháng tù giam về tội “Xâm phạm chỗ ở của công dân”. Với vai trò đồng phạm, Nguyễn Hữu Phú (SN 1961, trú cùng địa chỉ và là chồng bị cáo Thu) cũng bị tuyên phạt 7 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Phúc Thọ thể hiện, năm 2002, vợ chồng Nguyễn Thị Thu vay một khoản tiền của ngân hàng để đầu tư nuôi bò sữa. Nhưng do làm ăn thua lỗ, gia đình Thu không có khả năng hoàn vốn cho ngân hàng. Vì thế, cuối năm 2008, Tòa án Hà Nội đã xử phúc thẩm và  tuyên buộc vợ chồng Thu phải trả nợ ngân hàng hơn 320 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. Trên cơ sở ấy, năm 2009, cơ quan thi hành án dân sự huyện Phúc Thọ quyết định bán đấu giá ngôi nhà 3 tầng, diện tích 131m2 tại địa phương của gia đình bị cáo Thu. Sau khi mua được căn nhà này, người thắng đấu giá “âm thầm” chuyển nhượng lại cho anh Đào Văn Thảo, trú ở huyện Đông Anh. Sáng 15-8-2012, chủ sở hữu mới của ngôi nhà dẫn theo nhiều người đến xã Xuân Phú hòng tiếp quản tài sản của mình. Nhưng tại đây, gia đình Thu và bên anh Thảo xảy ra xô xát, đánh nhau. Ngay sau đó, vợ chồng Thu lập tức bị quy kết vào tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Đây là điều cốt lõi trong vụ án và cũng là căn cứ quan trọng nhất để Tòa án Phúc Thọ định tội, định hình phạt đối với các bị cáo. Tuy nhiên, vụ án không hoàn toàn đơn giản vậy.

Quá trình điều tra và ngay tại phiên tòa, không chỉ có vợ chồng Thu trình bày mà cả vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hào và bà Nguyễn Thị Loan (đều trú ở Hòa Bình) cũng xác nhận, tài sản bị đưa ra đấu giá, sau đó thuộc về anh Thảo thực tế không phải là tài sản của các bị cáo, vì năm 2001, gia đình Thu đã bán diện tích đất nêu trên cho gia đình ông Hào. Việc này được chính quyền địa phương xác nhận ngay ở thời điểm hai bên mua bán. Vì chưa có nhu cầu sử dụng nên sau khi mua bán xong, ông Hào tiếp tục giao cho gia đình Thu trông coi, sử dụng. Năm 2008, gia đình ông Hào còn phá nhà cũ để xây dựng ngôi nhà 3 tầng khang trang, song vẫn giao cho vợ chồng Thu quản lý giúp. Vợ chồng người có quyền lợi liên quan còn trình bày, gần đây phát hiện ngôi nhà của mình bị kê biên, phát mãi, ông Hào lập tức có đơn kiến nghị cơ quan chức năng giải quyết nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Lẫn lộn tội danh?

Ngoài sự lắt léo, kỳ quặc nêu trên, phiên tòa sơ thẩm còn thể hiện, sở dĩ vợ chồng Thu bị “tịch thu” nhà, đất để trả nợ ngân hàng là vì đầu năm 2007, gia đình bị cáo “bất ngờ” được chính quyền địa phương cấp “sổ đỏ” đối với phần đất đã bán cho ông Hào. Chính vì thế mà cơ quan thi hành án mới có căn cứ tiến hành cưỡng chế và bán đấu giá. 

Quá trình xét xử sơ thẩm cũng cho thấy, vợ chồng Thu vốn sinh sống trên mảnh đất bị đấu giá từ năm 1994 cho tới khi vụ án xảy ra, ngoại trừ khoảng thời gian hơn 2 tháng sau khi bị cưỡng chế. Lý giải về việc này, bị cáo trình bày khi đơn vị trông coi tài sản cho người mua được nhà rút đi, gia đình bị cáo lại dọn đồ về đây ăn ở như trước. Chỉ tính từ thời điểm đó đến lúc anh Thảo đột ngột xuất hiện đòi nhà cũng kéo dài liên tục gần hai năm…

Nói về vụ án hy hữu này, luật sư Nguyễn Ánh Thơm - Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận, không cần bàn đến việc nhà đất thuộc sở hữu của ông Hào hay vợ chồng Thu cũng đã thấy việc định tội đối với các bị cáo ở bản án sơ thẩm là không chính xác. Bởi BLHS xác định rõ: “Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân” mới là xâm phạm chỗ ở. Cụ thể hơn là chỗ ở của công dân trước hết phải là nơi đang có người ở một cách hợp pháp, trong đó kể cả chỗ ở do thuê mướn, được cho mượn, cho ở nhờ… Và không thể đánh đồng quyền sở hữu nhà, đất và chỗ ở là một. Vụ án cho thấy, gia đình bị cáo ở đây từ trước, trong khi anh Thảo là người tiếp quản sau nên cho dù nhà, đất đó của bị hại thì chủ sở hữu cũng không thể tùy tiện ra vào. 

Tương tự luật sư Thơm, một số chuyên gia pháp lý và luật sư khác cũng cho rằng quyền sở hữu, sử dụng nhà đất và chỗ ở là hai khái niệm khác nhau, không phải lúc nào cũng đồng nhất. Những chuyên gia này nhìn nhận, hành vi nêu trên của vợ chồng Nguyễn Thị Thu phải áp dụng tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” hoặc “Sử dụng trái phép tài sản” mới phù hợp. Đây cũng chính là lý do khiến cả hai vợ chồng Nguyễn Thị Thu cùng có đơn kháng cáo kêu oan. Hôm nay (30-12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa theo trình tự phúc thẩm.