"Ngòi nổ" nguy hiểm của tham vọng bành trướng lãnh thổ

ANTĐ - Việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhằm thực hiện tham vọng bành trướng lãnh thổ được xem là một “ngòi nổ” nguy hiểm kích thích cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương.

"Ngòi nổ" nguy hiểm của tham vọng bành trướng lãnh thổ ảnh 1

Tên lửa chống tàu sân bay thế hệ mới của Trung Quốc diễu qua quảng trường Thiên An Môn

Báo cáo thường niên về tình hình mua bán vũ khí trên thế giới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, Thụy Điển) công bố ngày 22-2 đã cho thấy xu hướng đáng lo ngại về gia tăng chi tiêu quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, dù kinh tế vẫn khó khăn song có tới 6 quốc gia ở khu vực này có mặt trong top 10 nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong 5 năm qua.

Tương tự như SIPRI, Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh) cũng đưa ra báo cáo cho biết, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia là những nước có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất năm 2015 ở châu Á. Theo IISS, chi tiêu quân sự tại châu Á đã tăng lên 1,48% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2010, trong đó Trung Quốc dẫn đầu khu vực khi chiếm 41% chi tiêu quân sự trong khu vực, tiếp đến là Ấn Độ (13,5%) và Nhật Bản (11,5%). IISS đánh giá: “Hoạt động kinh tế ì ạch không mấy tác động đến chi tiêu quân sự của khu vực trong năm 2015”.

Chiếm tới 41% chi tiêu quân sự toàn châu Á trong năm qua, rõ ràng Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư cho quân đội nước này. Có những số liệu khác nhau về chi phí quân sự của Trung Quốc bởi sự vênh nhau khá lớn giữa con số Chính phủ nước này công bố với số liệu tính toán thực tế của các tổ chức nghiên cứu quốc phòng quốc tế. 

Theo tạp chí quốc phòng uy tín hàng đầu thế giới IHS Jane’s, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2015 đứng thứ hai thế giới sau Mỹ với khoảng 191 tỷ USD (tăng 43% so với năm 2010), bằng khoảng 1/3 so với ngân sách quốc phòng hơn 595 tỷ USD của Mỹ song ngân sách quốc phòng Trung Quốc lại đang gia tăng nhanh với tốc độ trên 10% mỗi năm trong khi của Mỹ có xu hướng ngày càng giảm. IHS Jane’s đánh giá, chi tiêu quân sự của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên 225 tỷ USD trong năm 2020.

Báo cáo của IISS cho biết, với mức chi tiêu quân sự “phóng tay”, Trung Quốc đã liên tục hiện đại hóa trang bị, vũ khí của quân đội nước này, tập trung vào các lực lượng hải quân và không quân, như chế tạo tàu sân bay, tàu khu trục tàng hình, tàu ngầm thế hệ mới, máy bay tàng hình, tên lửa… IISS cũng lưu ý về hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tiến hành phi pháp trong năm 2015 tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam với đường băng, tháp radar sử dụng cho mục đích quân sự.

Việc Trung Quốc tăng nhanh, tăng mạnh chi phí quân sự đã khiến thế giới, nhất là các quốc gia láng giềng, không khỏi lo lắng vì tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh đã dẫn tới tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền với những nước xung quanh, từ Ấn Độ cho tới Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… IHS Jane’s dự báo chi tiêu quân sự hằng năm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tăng lên 533 tỷ USD vào năm 2020 so với 435 tỷ USD của năm 2015.

Châu Á-Thái Bình Dương đang đi ngược xu thế chung cắt giảm vũ trang trên thế giới bởi các nước trong khu vực rõ ràng không thể không gia tăng đầu tư cho quốc phòng khi Trung Quốc với tham vọng bành trướng lãnh thổ đang đi đầu trong một cuộc chạy đua đầy nguy hiểm.