Ngôi nhà mẹ Thứ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa

ANTĐ -Từ lâu, ngôi nhà mẹ đã trở thành điểm đến của thế hệ hôm nay, nơi ấy là điểm hẹn văn hóa lịch sử đầy ý nghĩa.

Từ lâu, ngôi nhà mẹ đã trở thành điểm đến của thế hệ hôm nay, nơi ấy là điểm hẹn văn hóa lịch sử đầy ý nghĩa.

Sáng 23/7, Ủy ban nhân dân huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ công nhận Di tích lịch sử văn hóa  cấp tỉnh đối với ngôi nhà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Đức Hải , Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam (ngoài cùng bên trái) trao Bằng công nhận di tích lịch sử ngôi nhà mẹ Thứ cho ông Nguyễn Hữu Lanh - Bí thư Đảng uỷ xã Điện Thắng Trung, ông Phạm Thân - con trai mẹ Thứ và ông Trương Công Phúc - Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung

Trong những năm chiến tranh, nhà mẹ Thứ từng là nơi hội họp của Huyện ủy Điện Bàn, nơi đặt trụ sở chỉ huy của Tiểu đoàn đặc công 91, Quân khu 5 với 5 căn hầm bí mật nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ có chồng, 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ. Ngôi nhà của Mẹ vốn là căn nhà rường cổ 3 gian, 2 chái với nhiều nét văn hóa chạm trổ tinh vi. Năm 2003, ngôi nhà được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam tỉnh Quảng Nam đầu tư tôn tạo khang trang.

Hiện nay căn nhà có 5 gian là nơi đặt bàn thờ Mẹ Thứ, bàn thờ các liệt sĩ với nhiều vật dụng sinh hoạt gắn liền với cuộc đời mẹ Thứ và nhiều kỷ vật do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.

Nhà mẹ Thứ cùng với Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu mẹ Thứ sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, noi gương tinh thần yêu nước, hi sinh hết mình cho Tổ quốc.