Ngồi lê Hà Nội

ANTD.VN - “Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” là thành ngữ chắc chắn chưa cũ lắm. Bởi vì khái niệm thành phố như ta thấy bây giờ mới chỉ hình thành trên đất nước mình độ hơn trăm năm nay theo chân thực dân Pháp mang vào. 

Ngồi lê Hà Nội ảnh 1Hàng rong nếu để tồn tại sẽ hình thành “kinh tế hoang dã” mà chẳng cần đến vỉa hè. Ảnh: LAM THANH

Trước đó Hà Nội gọi là kinh đô, kinh thành hoặc ngắn gọn hơn là đất kẻ chợ. Cái chữ “kẻ chợ” có phần hơi miệt thị xa vời nhưng lại phản ánh vô cùng đúng bản chất của mảnh đất này. Ngàn xưa đã thế mà bây giờ vẫn vậy.

Nếu chỉ xét theo tiêu chí một người kiếm được ở thành phố bao nhiêu tiền trong một năm và đem so với người quê thì thành ngữ có phần chính xác. Sáng dậy cắp thúng xôi ra phố bán một ngày cũng kiếm được mấy trăm nghìn cho đến tiền triệu. Bằng số tiền thu được khi cấy vài sào lúa một vụ. Nhưng đó là so sánh có phần nông nổi. Ở phố cũng sẽ tiêu hết số tiền ấy chỉ trong vài ngày là cùng. Nó chỉ đúng khi kiếm tiền ở phố mang về quê tiêu.

Kiếm tiền ở phố có lẽ là việc dễ hơn ở nông thôn. Người nông thôn thấy thế và họ đã đưa ra quyết định. Số người thành công không phải là ít. Vài người đi theo chúng bạn ra thành phố thuê nhà trọ ở làm “xe ôm”, mua bán đồng nát, buôn hoa quả từ chợ đầu mối mang vào ngõ ngách trong phố mà bán.

Rong ruổi suốt ngày trên phố, tối về nhà trọ mới có một bữa nấu ăn đàng hoàng. Trong số ấy cũng có người nên duyên với bạn đồng cảnh. Tình đầu cũng có, mà chắp vá cũng nhiều. Đôi khi chỉ dừng lại trong thời gian ở phố. Ở quê lại ai về nhà nấy. Có nét gì đó giống như tình công sở của đám công chức thành phố.

Ngồi lê Hà Nội ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Nhưng cũng có những người hoạch định hẳn một kế hoạch lâu dài. Họ lần lượt đưa vợ con ở quê ra thành phố thuê nhà ở. Đó là những người có khả năng kiếm tiền đều đặn. Cho con cái đi học những trường đại học danh tiếng dù bố mẹ gần như thất học.

Ao ước đổi phận là chính đáng. Đám trẻ này rõ ràng có nhiều cơ hội hơn trẻ con ở phố. Nếu không xin được việc làm thì đã có “nghề gia truyền” độ nhật. Trẻ ở phố chỉ có một con đường duy nhất mà thôi. Học xong chưa xin được việc thì chỉ còn cách học nữa, học mãi…

Kiếm tiền ở phố có lẽ là việc dễ hơn ở nông thôn. Thế nên hàng rong Hà Nội luôn bị cấm cản nhưng chẳng bao giờ hết

Hàng rong Hà Nội là công việc đã có bề dày lịch sử. Nó luôn bị cấm cản nhưng thật kỳ lạ chẳng bao giờ hết. Những năm mới hòa bình, hàng rong có được nới lỏng hơn chút ít so với thời thuộc Pháp.

Thực ra không phải nới lỏng mà chính quyền non trẻ còn có quá nhiều việc phải làm. Vài hàng rong lặt vặt trong phố chưa phải là chuyện cấp bách.

Lúc ấy những hàng rong từ trước ngày tiếp quản như cà phê, phở xe đẩy, tẩm quất đêm, quà cáp bánh trái ban ngày vẫn theo nếp cũ chỉ dừng lại trước cửa nhà ai đó khi có người gọi. Không có chuyện ngả bàn ghế đồ lề ra phố xì xụp lôi thôi. Hàng rong mới cũng trông vào đấy mà cư xử cho phải phép.

Đến những năm chiến tranh phá hoại thì hầu như hàng rong vắng bóng. Đơn giản vì không còn khách. Nhà nhà đi sơ tán đóng cửa im ỉm. Tiền bạc dành cho công cuộc sơ tán trở nên thiếu thốn chắt bóp từng hào cũng chẳng ai có tâm địa nào mà quà vặt nữa.

Phải đến sau 1972, hàng rong mới lại phát triển. Lần này thì đúng là sục sôi bùng phát vô tổ chức. Suốt ngày các loại hàng rong rao vào tận đầu giường mỗi nhà kể cả trên tầng cao khu tập thể.

Hàng hóa đủ loại không chỉ quà bánh ăn vặt nữa. Đồ nhựa, đồ nhôm, vải vóc quần áo, tạp phẩm… Nhiều hàng rong nghiễm nhiên tìm được chỗ là ngồi cố định lè phè khắp các vỉa hè. Cổng nhà máy, trường học, thậm chí công sở cũng dày đặc hàng quà vặt. Ầm ĩ như thế cho đến đổi mới. 

Sau khi thành phần kinh tế tư nhân được công nhận, Hà Nội như trở mình với cửa hàng cửa hiệu mở ra san sát. Mặt hàng truyền thống xưa cũng có, mà tập tọng kinh doanh cũng nhiều. Có nhà trong một năm thay biển hiệu đến ba lần quyết chí tìm cho ra mặt hàng phù hợp với khả năng của mình.

Đó cũng là lúc hàng rong bắt đầu mất đi vị thế. Nhiều mặt hàng bán rong đã được các cửa hàng trong phố bày bán một cách đáng tin cậy. Không ai còn muốn mua chiếc nồi nhôm đúc sần sùi nham nhở ở gánh hàng rong nữa. Hàng rong lúc này chỉ còn lại vài món bánh trái quê mùa dân Hà Nội không làm được.

Bánh giầy, bánh tẻ, bánh nếp, bánh đa kê… Và vài cô hàng đồng nát ế ẩm thường chọn những con ngõ nhỏ hoặc đường vắng ngồi tránh nắng tỉ tê bắt chấy cho nhau. Hẳn là thuật ngữ “Ngồi lê Hà Nội” được ra đời từ hình ảnh của những người này.

Thế nhưng nếu nghĩ rằng đám hàng rong thành phố và những người chiếm dụng vỉa hè như thế làm nên nền “kinh tế vỉa hè” với rất nhiều bênh vực thương cảm thì lại là chuyện khác. Nó cứ phát triển như bây giờ thì sẽ rất giống với khái niệm “kinh tế hoang dã” mà chẳng cần có một cái vỉa hè nào cả.

Tin đọc nhiều