Ngôi làng vắng tiếng trẻ thơ

ANTĐ - Họ là những người sống dọc hai bên bờ sông Đáy, đoạn qua địa phận tổ 5, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội. 

Sông Đáy đoạn qua phường Đồng Mai (quận Hà Đông) hiện đang bị ô nhiễm nặng

Nhiều năm qua, người dân nơi đây sinh hoạt nhờ nguồn nước của con sông này, nhưng kể từ năm 2005, khi hai cơ sở tái chế thùng phuy của bà Nguyễn Thị Vân và ông Nguyễn Khắc Hiếu mọc lên thì ngày ngày họ phải vào làng xin nước sạch về ăn uống, hoặc lên chợ Mai Lĩnh mua nước sạch với giá 15.000 đồng một bình để sử dụng. Nhiều người tắm bằng nước giếng khoan lâu ngày bỗng nhiên xuất hiện một số bệnh ngoài da như tổ đỉa, ngứa ngáy, ghẻ lở… Bà Mùi sống ngay bên cạnh khu vực xây bể chứa nước thải cho biết “2h sáng chúng tôi đã phải chịu tiếng ồn của lò mổ lợn thì 6h sáng công nhân bắt đầu rửa thùng phuy. Mỗi khi mở cửa dọn dẹp thì mùi bốc vào  khiến tôi tức ngực, khó thở, sau đó là đổ máu cam. Tôi mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết thực trạng này để chúng tôi được yên tâm sinh sống”.

 Dòng sông Đáy đoạn chảy qua địa phận phường Đồng Mai trước kia rất sâu và trong, nhưng ngày qua ngày, bùn sơn và cặn dầu mỡ của những chiếc thùng phuy cũ đổ ra đã “bồi thêm” khiến nguồn nước nhuốm màu đen kịt và đoạn sông ngày càng thu hẹp lại. 

Người dân ở đây nhà nào  cũng đóng kín cửa, không thấy ai ló mặt ra đường. Hiếm lắm mới thấy một vài người đi lại nhưng không rõ mặt bởi họ trùm khăn kín mít, chỉ hở hai con mắt. Gõ cửa nhà anh Hùng, chúng tôi thấy anh e dè tiếp đón. Anh bảo: “Chúng tôi không thích tiếp xúc với người lạ”. Thấy người dân có vẻ rụt rè, hỏi ra mới biết, trước đây người dân kêu ca vì nước bị ô nhiễm và phàn nàn về 2 cơ sở gây ô nhiễm thì ngay lập tức có người đến “chơi”.

Nhìn quanh, tôi không thấy trẻ nhỏ, mặc dù bức ảnh ông bà Mùi chụp cùng các cháu còn treo trên tường. Hóa ra, do sợ các cháu nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới tương lai nên vợ chồng anh Hùng và ông bà Mùi gửi con cháu vào trong làng, nhà người quen. Ngỡ tưởng chỉ có nhà anh Hùng là như vậy, hóa ra tất cả các hộ gia đình sống gần đó đều không thấy ríu rít tiếng trẻ thơ. 

Nhận được phản ánh của người dân, sáng ngày 17-4, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hai cơ sở tái chế thùng phuy của bà Vân và ông Hiếu. Theo đó, số vỏ thùng phuy được hai cơ sở này mua lại với giá rẻ, bên trong có chứa chất nhờn màu vàng. Những chiếc thùng phuy cũ sau khi mua về được công nhân đập nắp bán cho các cơ sở thu mua phế liệu, vỏ thùng phuy được phá dỡ thành những tấm kim loại, sau đó ngâm trong bể chứa xây bên rìa sông Đáy, bên trong có chất lỏng chứa đầy hóa chất, dùng để rửa cặn dầu mỡ. Các tấm kim loại này được bà Vân cung cấp cho tư nhân kinh doanh cá thể ở Đa Hội, Đông Anh, Hà Nội.

Diện tích kinh doanh hai cơ sở của bà Vân và ông Hiếu khoảng gần 200m2, đặt sát nhau. Trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Vân xếp 80 vỏ thùng phuy, các chất nhờn được dồn vào một thùng chứa khoảng 150 lít. Phía bên đường sát nhà bà Vân xếp các tấm kim loại và nắp thùng phuy. Toàn bộ số kim loại cũ này đều không được che đậy bốc mùi gây ô nhiễm môi trường. Cơ sở của ông Hiếu thì xếp những chiếc thùng phuy đang được sơn và phơi khô, chuẩn bị chuyển đến các cơ sở kinh doanh bán lẻ trên thị trường.

Đáng lưu ý, toàn bộ nước rửa các tấm kim loại và bùn sơn được hai cơ sở này đổ thẳng ra sông Đáy mà không qua quá trình xử lý. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc. Còn trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu vẫn còn là câu hỏi chưa có câu trả lời.