Ngoại trưởng Đức: Kéo dài lệnh trừng phạt Nga khó khăn hơn so với năm ngoái

ANTĐ -Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, việc kéo dài lệnh trừng phạt chống lại Nga đã trở nên khó khăn hơn do sự phản đối ngày càng tăng từ một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Ngoại trưởng Đức: Kéo dài lệnh trừng phạt Nga khó khăn hơn so với năm ngoái ảnh 1

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier

Trong một cuộc phỏng vấn với News Service Baltic (BNS) hôm 26-5, vị ngoại trưởng Đức cho biết, một thỏa thuận về việc gia hạn biện pháp trừng phạt chống Nga khi thời hạn cấm vận sẽ hết vào ngày 31-7-2016 có thể rất khó khăn vì sự phản đối ngày càng tăng từ một số nước EU.

"Chúng ta có thể thấy rõ một điều là, sự phản đối việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong EU đã tăng lên. Nó sẽ khó khăn hơn so với thời điểm năm ngoái để tìm ra được một quan điểm chung cho vấn đề này", Steinmeier nói.

Đề cập đến cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine và hợp nhất Crimea với Liên bang Nga, vị ngoại trưởng Đức cho biết, Berlin muốn duy trì các lệnh trừng phạt cho đến khi hiệp định hoà bình Minsk giữa Nga và Ukraine được thực hiện.

"Một điều chắc chắn là chúng ta không thể bỏ qua việc Nga sáp nhập Crimea là vi phạm luật pháp quốc tế và sự bất ổn ở miền đông Ukraine", ông Steinmeier nhấn mạnh.

Quan hệ giữa Moscow và EU căng thẳng sau khi liên minh, cùng với Hoa Kỳ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vào tháng 7- 2014.

Động thái này được thực hiện sau khi bán đảo Crimea quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga vào tháng 3-2014. Gần 97 % người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc này.

Chính phủ Ukraine sau đó tham gia vào một cuộc đàn áp quân sự ở khu vực phía đông Donetsk và Lugansk, nơi có nhiều người nói tiếng Nga.

Theo Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột ở miền đông Ukraine nhanh chóng biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện. Nó đã gây ra cái chết cho hơn 9.300 người, và khiến hơn 21.000 người khác bị thương.

Nga và Ukraine, cùng với Đức và Pháp đã đồng ý một thỏa thuận ngừng bắn cho Ukraine ở thủ đô Minsk, Belarus vào tháng 2- 2015. Thỏa thuận ngừng bắn đã giảm tình trạng thù địch trong các vùng phía đông của Ukraine, nhưng các cuộc đụng đổ lẻ tẻ vẫn tiếp tục xảy ra.

Washington và các đồng minh châu Âu đã cáo buộc Nga gây ra cuộc xung đột này, tuy nhiên Moscow luôn bác bỏ điều này và đổ lỗi cho phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng.