Ngoài kia phố hát

ANTD.VN - Chẳng có một dân tộc nào trên thế gian này lại không biết hát. Ngay từ xa xưa, từ những miền quê hoang vu cho đến những kinh thành tấp nập, không cứ vui buồn, chỗ nào cũng ngập tràn tiếng hát. 

Các bạn trẻ biểu diễn trong không gian phố đi bộ hồ Gươm

Lịch sử ca hát của nhân loại chắc chắn đã có từ quá lâu. Và tùy theo tâm trạng, sắc màu âm nhạc cũng thăng giáng khác nhau, hoặc tươi vui đỏ hoặc hiền dịu vàng. Tuy nhiên, từ lúc những đô thị lớn được chính thức hình thành, thì hình như có hẳn một dòng chảy âm nhạc rất riêng của thị dân. Tất nhiên, xuất xứ thì cũng từ những giai điệu cổ truyền dân ca dân dã đậm đà dân tộc tính.

Tâm hồn người Việt vốn dĩ phong phú, đương nhiên hát hò ở họ cũng sẽ đa dạng, bởi sâu xa họ không những hát hay mà còn hay hát. Nôm na sơ lược đếm thì Bắc bộ có chèo, Trung bộ có tuồng và Nam bộ có đờn ca tài tử. Tất cả đều độc đáo tinh tế, nên cho dù có ai oán, có lả lơi, có vui nhộn, thì tất thảy đều làm người nghe nghẹn ngào rưng rưng xúc động.

Sự đa dạng này lại càng rõ nét khi phương Tây thời thượng đưa âm nhạc “son phe” bẩy nốt vào cổ truyền ngũ cung. Song hành cùng công cuộc thực dân của Pháp có lẫn lộn hay ít dở nhiều, các ca khúc đẫm đầy âm hưởng Việt nhưng mang hình hài hiện đại đã ào ạt xuất hiện. Ở đây, vai trò của những nhạc sĩ thị dân khá quan trọng.

Những Đặng Thế Phong, những Đoàn Chuẩn, với những “Giọt mưa thu”, những “Gửi gió cho mây ngàn bay”… đã vang danh một kiểu hát của phố Hà Nội. Và không hiểu sao, vào hồi Thủ đô đang kiến thiết chủ nghĩa xã hội, thì nhiều người chuyên nghiệp chính thống lẫn nghiệp dư vỉa hè thường quen gọi mấy đoản ca đặc chất lãng mạn tiểu tư sản ấy là “nhạc vàng”.

Rồi giống như nguyên lý vận hành của những đô thị đa văn hóa đông dân phức tạp, đã có “âm” thì phải có “dương”. Đã có ôn nhu đàn bà thì phải có hào hùng đàn ông. Khi nhạc của phố đã được tô màu “vàng” thì tất yếu phải có “đỏ”.

Cho dù hôm nay chữ “nhạc đỏ” đã được chính danh định hình, thì ngay lúc mới xuất hiện nó bị vài người khó tính không thích. Họ cho cách gọi đó là xách mé. Có phải vậy chăng mà xuất xứ của nó cho đến tận bây giờ vẫn còn đang được tranh luận rất khiếp trên vô số diễn đàn. Theo cái nhớ lẫn lộn của nhiều trung niên ca sĩ thị dân hát được cả “vàng” lẫn “đỏ”, thì ngay đến giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, người ta vẫn gọi nhạc đỏ là “ca khúc cách mạng”, thậm chí mạnh mẽ hơn, “ca khúc chính trị”.

Đó là những ca khúc tuyệt hay, thường thôi thúc động viên định hướng mọi người hãy sống hòa chung vào lợi ích của cả cộng đồng.  Cái “ta” là quan trọng, cái “tôi” là thứ yếu. Đương nhiên thôi, khi phải khuyến khích sản xuất và đánh giặc, ca từ sẽ mộc mạc trang nghiêm chân chất "Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao" (Hà Nội niềm tin và hy vọng).

Có điều, khi kết hợp với một giai điệu không quá phức tạp, nó bỗng tạo ra một nhạc cảm tha thiết nồng nàn thăm thẳm hối thúc. Nghệ thuật chân chính cho phép bỏ qua mọi điệu đà lý thuyết. Mục đích tối thượng của nó là làm sao lay động được tình cảm trong mỗi người.

Có lẽ được thăng hoa từ mục đích cao cả đó, mà phần lớn các ca khúc nhạc đỏ thường dễ hát. Thời trong veo bao cấp, vào những ngày nghỉ cuối tuần chứ chưa cần là một dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, người ta luôn thấy một vài ban nhạc gọn nhẹ gọi nôm là “văn nghệ xung kích” biểu diễn ở một vài nơi quanh hồ Gươm.

Chỉ là hai cây guitar, thêm một đàn “Ắc coóc”, thêm một nữ ca sĩ trẻ hơi beo béo là lập tức phố cất lời ca. Nàng trước khi hát thường cẩn thận dặn nhạc công “anh dập mạnh mạnh lên một tý để cho em dễ vào”.

Tiếng vẳng tới “míc” khuếch đại qua loa, làm đông đảo người nghe đứng dưới phấn khích ào ào vỗ tay ủng hộ. Mới nghiệp dư đã vậy thì chuyên nghiệp còn cảm động đến mức nào. Danh ca Quang Hưng với hai bài “Tôi là Lê anh nuôi” và “Anh quân bưu vui tính” hay Thúy Hà với “Cánh chim báo tin vui” thì dù ở Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục hoặc ở trước cửa ngân hàng Trung ương, luôn kéo cả một biển người. Các “li vờ sâu” thời thượng bây giờ chẳng là cái đinh gì.

Nhạc đỏ khi được hát ở phố cổ có một kiểu quyến rũ khó tả. Phải nghe những khúc bi tráng ca kiểu như “Đôi mắt mang hình viên đạn” hoặc “Chiều biên giới” hay “Tình yêu trên dòng sông quan họ” vào những tháng ngày phố phường đang nghẹn ngào hướng lên biên giới phía Bắc mới thấy hết được sự trữ tình hào hùng. Một cảm xúc sâu lắng rực lửa chỉ có những con phố hào hoa của một Hà Nội kiêu hùng.

Hôm rồi, lần đầu tiên ra phố đi bộ quanh hồ Gươm, bỗng được nghe mấy sinh viên trẻ trung ngẫu hứng chơi bài “Giai điệu Tổ quốc” trước cửa trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm, chợt sâu xa thấy ùa về rưng rưng nguyên vẹn xúc cảm của một thời chưa xa.

Một thời phố hát nhạc đỏ rừng rực lửa.