Nghệ sỹ opera Vành Khuyên:

Ngoài giọng hát, tôi là người “trắng tay”

ANTĐ - Không sở hữu giọng ca trời phú nhưng bằng nỗ lực và quyết tâm theo đuổi nghề hát thính phòng, Vành Khuyên đã thực sự trở thành giọng ca sáng giá của làng opera Việt. 15 năm theo nghề, chị đã đạt tới sự điêu luyện trong xử lý thanh nhạc để làm nên đêm nhạc opera thính phòng lần đầu tiên trong sự nghiệp ca hát mang tên “Khát vọng âm nhạc”…

Vành Khuyên biểu diễn trong vở nhạc kịch “Định mệnh” - nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo

- PV: Có phải ngay từ nhỏ chị đã được định hướng sẽ đi theo con đường âm nhạc nên cha mẹ đặt tên là “Vành Khuyên”?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Cái tên Vành Khuyên của tôi ra đời trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Tôi sinh ra trong một gia đình đông con tại Hà Tĩnh, cha mẹ có 12 con. Khi mẹ sinh tôi ra đặt tên là Khuyên có nghĩa là muốn khuyên bảo bố chỉ nên dừng lại ở đứa con út này. Và tôi đã không có thêm đứa em nào nữa. (cười) 

- PV: Vậy chị đã đến với con đường hát thính phòng như thế nào?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Thuộc diện “đỗ vớt” khi thi vào Dàn Hợp xướng Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, tôi đã chính thức bước chân vào con đường hát opera. Nhưng để được biết đến tên tuổi thì là cả một chặng đường dài. So với các bạn học cùng khóa được đào tạo ở trình độ cao hơn hẳn trong khi đó tôi chỉ mới tốt nghiệp Trung cấp Âm nhạc Hà Tĩnh thì là một khoảng cách quá lớn về trình độ. Hơn nữa, tôi không phải là người được trời phú cho một giọng ca đẹp nên con đường ca hát cũng ghập ghềnh và phải khổ luyện rất nhiều. Các vở opera do Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam dàn dựng, tôi được giao đóng vai chính, hát solo trong các chương trình hòa nhạc đã bước đầu khẳng định được chất lượng của giọng ca opera đạt đến độ trưởng thành.

- PV: Có rất nhiều giọng ca opera thành tài nhưng chẳng mấy ai có đủ dũng khí để tổ chức một chương trình của cá nhân. Chị có đại gia nào “chống lưng”?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Có một thực tế đáng buồn là dòng nhạc opera đang thiếu đi những chương trình liveshow cá nhân, khác hẳn với dòng nhạc thị trường. Chương trình “Khát vọng âm nhạc” của tôi lần này có thể được coi như một đêm nhạc thể nghiệm. Vành Khuyên sẽ là “chuột bạch” (cười). Tôi thấy mừng, hạnh phúc và biết ơn những người bạn đã giúp đỡ tôi thực hiện chương trình này. Phải nói rất thật, Vành Khuyên ngoài giọng hát ra là một kẻ tay trắng: không gia đình, không nhà cửa và cũng không đại gia “chống lưng”.

- PV: Nghe thật khó tin nhưng chị lấy niềm vui sống ở đâu khi kể ra cái gì cũng “không” thế?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Tôi và chồng đã chia tay, con thì cũng ở với bố, lương của một nghệ sỹ opera đủ sống đã là may mắn. Nhiều lúc tôi cũng tự hỏi, tháng này qua tháng khác với mức thu nhập như thế mà mình vẫn sống được thật tài. Nhưng có duyên với nghề rồi, không thể bỏ được. Tôi xoay ra đi làm thêm nhưng cũng rất khó khăn vì dòng nhạc này vẫn còn khá xa lạ với công chúng. Nghệ sỹ opera như chúng tôi không có sân chơi, không có đất diễn, chỉ loanh quanh trong những kế hoạch biểu diễn của nhà hát. 

- PV: Chị có thể chuyển sang hát những dòng nhạc ăn khách hơn để tăng thu  nhập?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Điều đó là hoàn toàn có thể nhưng sẽ làm hỏng giọng hát opera. Và tôi không muốn điều đó!

- PV: Thế sao trong chương trình “Khát vọng âm nhạc” chị lại dành toàn bộ phần 2 của chương trình để biểu diễn những ca khúc nổi tiếng Việt Nam như: Người Hà Nội, Du kích sông Thao…

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Với khát khao mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng, tôi đã chọn những trích đoạn nhạc kịch rất quen thuộc và dành toàn bộ phần 2 để trình bày các ca khúc cách mạng. Đây là lần đầu tiên, tôi biểu diễn “nhạc đỏ” bằng giọng hát opera của mình. Trong khi các đoạn opera nước ngoài, phần âm nhạc lồng lộng thì các ca khúc cách mạng lại sử dụng âm đóng khá khó khăn với những nghệ sỹ hát opera cùng dàn nhạc giao hưởng. Nếu như hát cùng dàn nhạc nhẹ hay bộ điện tử sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi và dàn hợp xướng, Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch đang nỗ lực tập luyện, ghép nhạc để mang đến khán giả đêm diễn có chất lượng. 

- PV: Chị có ý định sẽ theo đuổi opera đến… già?

- Nghệ sỹ Vành Khuyên: Các cụ vẫn nói “Thầy đàn già, con hát trẻ” nên tâm lý chuộng người trẻ trong âm nhạc hiện nay vẫn đang rất phổ biến. Nhưng với opera, nếu chăm sóc giọng hát và nhan sắc tốt, tôi vẫn có thể hát opera đến già. Thầy Trần Hiếu là một ví dụ điển hình và tôi sẽ noi gương thầy. 

- Xin cảm ơn chị!