Ngoại binh ở V-League: Cạm bẫy giăng đầy

ANTĐ - Giới ngoại binh coi V-League là một thiên đường, nơi có những bản hợp đồng béo bở cùng chế độ lương thưởng hậu hĩnh…

Timothy (phải) đang gặp nhiều khó khăn. ẢNH: QUANG THẮNG

Những cám dỗ đời thường

Ở các CLB đại gia tại V-League, mỗi bàn thắng, đường kiến tạo có thể được quy đổi thành số tiền thưởng khổng lồ. Thế nên, chỉ cần một vài khoảnh khắc lóe sáng thì một cầu thủ nghèo rớt khi mới đến Việt Nam sẽ lập tức biến thành những triệu phú.

Số tiền cao ngất ngưởng kiếm được “tương đối dễ dàng” dần khiến phần lớn các ngoại binh không giữ nổi mình. Kiếm ra tiền thì phải hưởng thụ, họ tìm đến các tụ điểm ăn chơi để “xả stress” mỗi cuối tuần. Không ít người có thể do quá cô đơn trên đất khách nên bị hớp hồn bởi những bông hồng “lắm gai” để rồi sau đó nhận được những bài học chua xót. 

Đơn cử là trường hợp của tiền đạo Antonio Tavares (thi đấu cho Hà Nội T&T) ở mùa giải 2011. Lúc mới sang Việt Nam, anh này liên tục phải gõ cửa phòng HLV Phan Thanh Hùng để… xin tiền tiêu vặt. Nhưng khi vừa tỏa sáng, ghi được vài bàn thắng (mỗi bàn được thưởng 100 triệu đồng), Antonio liền trở nên sành điệu và gần như ngay lập tức kiếm được một cô bồ.

Bị cô nàng đào mỏ, kiếm được bao nhiêu tiền là Antonio chuyển hết cho tình nhân. Sự “dại gái” của tiền đạo này khiến Hà Nội T&T sốt ruột bởi mỗi khi bị người đẹp “lột sạch” là Antonio lại đòi hỏi, xin xỏ thêm tiền bằng đủ mọi cách. Đến nỗi, ngày Antonio lên máy bay về nước, Hà Nội T&T phải cử người theo dõi và khi biết chắc là anh không đi cùng “bóng hồng” thì mới chuyển tiền lương, thưởng.

Bị đào mỏ như Antonio còn là nhẹ, không ít trường hợp còn đau đớn hơn khi mắc phải bệnh xã hội khiến sự nghiệp lụi tàn.


Hiểm nguy từ… đồng đội

V-League vốn là môi trường hết sức phức tạp. Không phải cứ có chuyên môn tốt, tập luyện chăm chỉ là có thể thi đấu thành công. Cầu thủ ngoại khi đến “thiên đường” kiếm cơm, buộc phải chuẩn bị thêm vô số những hành trang để thích nghi nếu không muốn sớm bị loại bỏ.

Ngay từ khi thử việc, nếu cầu thủ ngoại không “biết điều” thì lập tức bị cảnh cáo bằng hàng loạt những pha vào bóng thô bạo của “ma cũ”. Kẻ nào đen đủi dính chấn thương coi như sớm đứt mộng ở lại “thiên đường” và có trường hợp bị đau nặng đến nỗi phải bỏ nghiệp bóng đá.

Khi đã được kí hợp đồng, thi đấu hay mà nghĩ mình đã là ngôi sao và “thay đổi thái độ” với các đồng đội thì cũng sẽ phải lãnh hậu quả. Ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp của tiền đạo Timothy (CLB bóng đá Hà Nội). Chân sút người Nigeria do được sự bảo vệ của HLV Nguyễn Thành Vinh nên lúc nào cũng coi mình là “ông trời”. Hậu quả là anh nhiều lần phải chiến đấu bằng chân tay (theo đúng nghĩa đen) sau xích mích với đồng đội. Cũng vì bảo vệ Timothy quá đà, HLV Nguyễn Thành Vinh mất luôn sự ủng hộ của phần còn lại trong đội bóng. Kết quả là ông vừa phải đâm đơn từ chức và đồng thời kéo theo một tương lai u ám đến cho “học trò cưng” Timothy. Nếu không học được cách chiều lòng đồng đội thì ngày Timothy phải khăn gói ra đi sẽ sớm đến.

V-League thoạt nhìn có vẻ là một thiên đường nhưng thực chất, giải đấu hàng đầu Việt Nam có những góc khuất chẳng khác nào địa ngục…