Ngõ trong phố

ANTĐ - LTS: “Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó, đêm lặng nghe trong gió tiếng sông Hồng thở than…”. Mỗi ngõ phố Hà Nội, cũng như từng người Hà Nội, đều mang trong mình một câu chuyện riêng. Có khi là một niềm vui nho nhỏ, có lúc lại là một nỗi nghen ngào, rưng rưng, hay thoáng buồn trong veo mằn mặn. Chuyên mục mới: “Chuyện phố” trên Báo ANTĐ thứ hai hàng tuần rất mong nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo bạn đọc.

Ngõ trong phố ảnh 1

Hà Nội có phố và đương nhiên có ngõ. “Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó” là một trong vài ca từ hiếm hoi hay về Hà Nội. Không biết cái ông nhạc sĩ này bây giờ thường trú ở đâu nhưng chắc chắn lúc đang nghe tiếng sông Hồng thở than thì ông vẫn phải đang ở trong một ngõ. Bởi tiếng thầm thì tinh tế buồn mà không thảm duy nhất chỉ vọng vào những ngõ, nó thường bị đứt trước nhan nhản ồn ào mặt tiền của những phố. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “ngõ là đường nhỏ và hẹp trong làng xóm phố phường”.

Nhỏ và hẹp, nghe có tủi thân lắm không hả ngõ. Rất lâu nay, người Hà Nội thường tự hào về phố. Tất nhiên, không hẳn chỉ ba mươi sáu phố cổ nhưng tuyệt đối không thể là dăm cái phố vừa được xây đang ngông nghênh trọc phú. Ở những cái phố lổn nhổn hợm hĩnh đấy, hầu như không có ngõ mà chỉ có ngách. Phố để người Hà Nội tha thiết nhớ, thường có dáng dấp ở thơ của thi sĩ lảo đảo đi bộ Phan Vũ, hoặc ở tranh của ông họa sĩ còm sống trong nhà ống phố Thuốc Bắc Bùi Xuân Phái.

Những phố như vậy ở Hà Nội càng ngày càng hiếm. Xót xa hoài nhớ phố cổ, những người Hà Nội cũ kỹ đành phải ở giật lùi vào ngõ. Thường đấy là những ngõ tuy chen chúc người nhưng khá dịu dàng, nó mảnh dẻ lưa thưa cây nối vào hai hoặc ba phố lớn. Những ngõ loằng ngoằng dài kiểu như ngõ Văn Chương ở Khâm Thiên hay cụt lủn như ngõ Hàng Chỉ ở Hàng Hòm là hiếm hoi. Tên ngõ cũng phong phú đa dạng, cũng có khi đặt theo tên phố như ngõ Huế ở phố Huế hay ngõ Nhà Chung ở phố Nhà Chung.

Nhưng đa phần không thèm a dua, ví như ngõ Hàng Hành ở phố Báo Khánh hay ngõ Tạm Thương ở phố Hàng Bông. (Nhân nhắc tới ngõ này lại nhớ một quầy phở gắn bánh xe chuyên bò tuyệt ngon chỉ bán tối, nay đã không còn. Thịt bò tái băm nhuyễn miết theo bản rộng dao hắt lên sợi phở to thái tay rồi mới chan nước dùng trong sôi đậm. Ông chủ kinh niên đau mắt hột, một đứa con đích thực của văn hóa ngõ. Vô phúc cho khách nào vào hàng ông gọi phở gà. Cũng ở đúng chỗ đấy, buổi sáng có bà răng đen bán xôi trắng thịt kho tàu thơm lạ lùng). Ẩm thực trong ngõ tinh tế không kém gì ngoài phố.

Ngõ trong phố ảnh 2

Bình yên - Tranh: Phạm Bình Chương

Dân Hà Nội sống lâu trong ngõ đều có một phong thái rất riêng. Người trong một ngõ, đa phần biết nhau, đầu ngõ cuối ngõ chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Có lẽ vì thế người ở ngõ thỉnh thoảng có cãi nhau. Nhưng nhân văn làm sao, sau những xô xát tưởng mất mặn mất nhạt thì tới những ngày lễ tết hiếu hỉ, tuy hơi ngượng nghịu, vẫn lò dò cầm chai rượu sang nhà nhau chén chú chén anh.

Một hành vi cao thượng của văn hóa sám hối. Những căn nhà mặt phố lạnh lẽo bạc phếch mầu tiền lấy quái đâu ra cái ấm cúng đẫm đầy tình người ấy. Bài thơ đậm đà chất sến “người hàng xóm” của thi sĩ ngoại ô Nguyễn Bính bây giờ chỉ nghe thấy ở trong ngõ. Người ở phố ngày nay không những không biết cãi nhau mà còn không hề biết “nhà nàng ở cạnh nhà tôi”. Bất hạnh thay. Thảo nào hôn nhân của họ thường xây dựng ở tít tắp tận đẩu tận đâu.

Rất nhiều hào hoa và tài năng của Hà Nội ở ẩn trong ngõ nhỏ. Sẽ không nên kể vì ngõ ghét sự phô phang. Nhưng có điều này thì phải nhắc, trong mọi ngõ đều rất đông nhà thơ và nhà giáo, hai trong nhiều nghề có truyền thống tử tế lâu đời. Cứ mỗi buổi mưa phùn mìn mịn tới Xuân là ra ngõ gặp nhà thơ. Còn 20-11 thì hầu như mọi ngõ ngập đầy tiếng ríu rít của đám trẻ đến chúc thầy. Có phải vậy chăng mà giá ngõ ở Hà Nội gần đây lên hơn bốn cây vàng một mét vuông.

Ngõ là phần hồn sâu của phố. Với cái kiểu xây cất cuồng bạo thời nay, những người hoài cũ của nghìn năm Thăng Long, chắc chỉ còn được thấy dáng phố cũ ở trong những ngõ.