Ngô Thu Quỳnh- cô gái sinh năm 2000 với sản phẩm truyền thông thời trang "Xevi"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngô Thu Quỳnh, sinh năm 2000 đã vừa "trình làng" ý tưởng xây dựng thương hiệu thời trang nam "make in Vietnam" mang tên "Xevi", với quy trình tạo chất liệu từ sợi tơ tự nhiên, thiết kế mẫu mã, đóng gói sản phẩm, đem ra thị trường tiêu thụ. Dù đây mới chỉ là bài tốt nghiệp của sinh viên Học viện thời trang London nhưng ý tưởng này của Thu Quỳnh đã thể hiện sự táo bạo, dấn thân của cô gái trẻ 22 tuổi.

Ngô Thu Quỳnh sắp tốt nghiệp ngành Truyền thông và Marketing của Học viện Thời trang London, một chuyên ngành mới đưa vào đào tạo. Trước đó, cô gái trẻ này đã có 3 năm theo học khoa Thiết kế thời trang của Học viện Thời trang London.

Cú 'bẻ lái' này đã mang lại không ít hứng khởi đối với Thu Quỳnh. Bởi chuyên ngành Truyền thông và Marketing thời trang đặt ra nhiều thách thức hơn, giúp sinh viên đưa sản phẩm tiếp cận với khách hàng theo hướng, không phải những sản phẩm tốt của mình sẽ khiến khách hàng hài lòng. Mà đó phải là sản phẩm đáp ứng được mong muốn của khách hàng.

"Đối với tôi, truyền thông và marketing giúp bộc lộ ưu điểm của thương hiệu, làm khách hàng hứng thú để họ sử dụng và gắn bó với dịch vụ đưa ra", Quỳnh bày tỏ.

Ngô Thu Quỳnh

Ngô Thu Quỳnh

Với thành tích học tập tốt, Thu Quỳnh đã giành học bổng miễn giảm học phí của Học viện Thời trang London trong suốt 4 năm học. Để có được học bổng này, sinh viên buộc phải có kết quả học tập tốt đến xuất sắc duy trì trong suốt quá trình học.

Cùng với 7 sinh viên khác của chuyên ngành Truyền thông và Marketing, Thu Quỳnh vừa có buổi trưng bày sản phẩm truyền thông "Xevi" tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội.

Tại đây, Thu Quỳnh đã trưng bày các sản phẩm tạo nên thương hiệu thời trang "Xevi" từ những những khâu đầu tiên như tiếp cận với nghệ nhân làng nghề tạo chất liệu từ tơ tự nhiên, tới thiết kế thời trang, xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu "Xevi". Trong đó, các mẫu thiết kế chỉ là một khâu trong sản phẩm truyền thông.

Theo đó, Xevi là một thương hiệu thời trang nam với phong cách kết hợp giữa tính văn hóa và tính thiết thực cho những người thành thị ưa khám phá. Mỗi sản phẩm đều mang trong mình sự tự hào Việt Nam, tính kế thừa, sự đổi mới, sự chân thực và chất lượng. Với những giá trị cốt lõi này, Xevi không chỉ đại diện cho các giá trị cá nhân của Quỳnh mà còn là một ví dụ thực tế cho một thương hiệu mà chính cô phát triển.

Mẫu thiết kế thời trang nam sử dụng chất liệu đũi và tơ tằm

Mẫu thiết kế thời trang nam sử dụng chất liệu đũi và tơ tằm

Trong đó, "Xe" chỉ hành động gom những sợi nhỏ để tạo thành những cụm chỉ lớn hơn (mang ý nghĩa thu thập những yếu tố nhỏ bé, vụn vặt để tạo thành những tác phẩm lớn hơn). Còn Vi là Việt Nam.

Tác giả chia sẻ, Xevi là một ví dụ cho nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh. Dự án công bố thương hiệu ngay sau triển lãm. Với sản phẩm trưng bày, cô gái trẻ này sẽ cung cấp tới khách hàng dịch vụ xây dựng thương hiệu thời trang như trưng bày cửa hàng, cá tính thương hiệu...

Xevi không phải là dự án truyền thông thời trang đầu tiên của Ngô Thu Quỳnh. Trước đó, cô đã hợp tác với hãng kính Matian trong vai trò chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế sản phẩm. trong 1,5 năm. Bên cạnh đó, Thu Quỳnh còn làm chỉ đạo nghệ thuật của các bộ phim thời trang, phim quảng cáo, video ca nhạc, bộ ảnh thời trang...

Điều dễ nhận thấy trong các sản phẩm truyền thông do Quỳnh thiết kế là yếu tố văn hóa bản địa được đề cao như trong "Xevi" cô đã sử dụng chất liệu đũi và tơ tằm, trong một bộ phim thời trang đã lấy ngôn ngữ đặc trưng của thời bao cấp làm ngôn ngữ chủ đạo... Việc sử dụng yếu tố văn hóa bản địa được cô sử dụng theo lối kế thừa, kết hợp cùng yếu tố hiện đại.

Sản phẩm truyền thông thời trang nam "Xevi" trưng bày tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội

Sản phẩm truyền thông thời trang nam "Xevi" trưng bày tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội

Ngoài ra, tác giả có chú tâm tới yếu tố cải tiến trong các sản phẩm truyền thông thời trang bằng việc sử dụng công nghệ 3D và các kỹ xảo để bộ hình thú vị hơn. Tác giả còn quan tâm tới ý nghĩa thật của sản phẩm với tính hữu ích, tiện dụng, các sản phẩm hình ảnh phải gắn với một ý nghĩa nào đấy, không chỉ đẹp.

Hiện nay, Ngô Thu Quỳnh đang tiếp tục theo học chương trình thiết kế trao đổi tại trường Y schools (Pháp) trong 5 tháng. Cô sẽ trở về Việt Nam trước thời hạn hết Visa vì có nhiều thương hiệu đã đặt hàng và mong muốn được làm việc cùng Quỳnh.

Cô cho rằng, thị trường thời trang Việt Nam rất tiềm năng và là một mảnh đất màu mỡ trước xu hướng tiêu dùng tăng cao. Đặc biệt, để có chất lượng cao và có một ngành công nghiệp thời trang may mặc, Việt Nam cần có thêm nhiều chuyên gia giám tuyển, nhiều người có chuyên môn cùng tham gia đóng góp.

Với những kiến thức được học và đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước, Thu Quỳnh sẽ là một gương mặt trẻ đóng góp cho ngành thời trang và dệt may tại Việt Nam.