Ngộ nhận bản thân

ANTĐ - Từ quán nước vỉa hè đến nơi công sở, từ các buổi tập của cầu thủ đến các cuộc họp quan chức thể thao… đâu đâu cũng quanh chuyện các ông “bầu”. Nào là chuyện “bầu” này bị bắt, “bầu” kia bán đội bóng, rồi chuyện “bầu” dọa bỏ bóng đá, “bầu” bỏ bóng đá thật… cuốn dư luận vào vòng xoay tuần hoàn, khó dứt ra được. Có người nói vui, ngôi “Idol bóng đá Việt Nam” năm nay khó thoát khỏi tay các ông “bầu”.

Liệu các ông “bầu” có mặn mà làm bóng đá thật?

Thời bóng đá chập chững lên chuyên nghiệp, ông “bầu” - những doanh nhân bỏ tiền nuôi bóng đá được ca tụng hết lời, rằng nhờ họ V-League mới có những hợp đồng bom tấn, những ngoại binh tầm cỡ thế giới và mới có danh xưng “giải đấu lớn nhất Đông Nam Á”. Nhưng nay, chính họ lại là đối tượng bị lên án. 

Khi “bầu” Nguyễn Đức Kiên bị bắt, 2 đội bóng Hà Nội rơi cảnh “rắn mất đầu” mịt mờ tương lai; “bầu” Thọ tuyên bố bỏ bóng đá vì hết tiền; “bầu” Trường úp mở bỏ hẳn bóng đá vì… “dỗi” cầu thủ dám nộp đơn đòi tiền nợ lương; còn “bầu” Thụy, trong phút tức giận công tác trọng tài biên mùa giải qua cũng dọa đoạn tuyệt bóng đá. Các ông “bầu” với cách làm bóng đá… chẳng giống ai của mình bị cho là thủ phạm đẩy V-League vào cảnh “khóc dở, mếu dở” hiện tại.  

Lý giải cho trào lưu “thích là bỏ” của nhiều ông bầu thời gian qua, “bầu” Đệ (Thanh Hóa) thẳng thừng: “Họ làm bóng đá không phải vì tình yêu mà để kiếm dự án, kiếm bất động sản, nay những món này không còn thì họ bỏ. Thế thôi!”. Trong khi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn thừa nhận “bong bóng” bóng đá Việt đã vỡ, và V-League đến cơ sự này là do giới quản lý đã quá ngộ nhận về giải đấu của mình. 

Ông Đệ, ông Tuấn nói không sai, “nhưng như lời chuyên gia Trần Văn Phúc thì “giờ không phải lúc ngồi nói hay, nói dở mà cần tìm giải pháp cứu V-League và bóng đá Việt Nam”. Và trong cuộc “cách mạng” đó, hạt nhân quan trọng nhất không ai khác mà phải chính là các ông “bầu”. 

Nhìn sang mô hình các nền bóng đá chuyên nghiệp, các CLB luôn có sự hợp lực của nhiều doanh nghiệp và nguồn thu ổn định từ bán vé, quảng cáo. Trong trường hợp có một doanh nghiệp - ông chủ đội bóng nào xin rút cũng không ảnh hưởng lớn tới tài chính đội bóng. Đó là mô hình mà V-League buộc phải theo, nếu không muốn bị đào thải khỏi sân chơi chuyên nghiệp.

Không còn cách nào khác là V-League phải trở về đúng giá trị thật. Để thành công như lời của Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn - các ông chủ đội bóng cần thoát khỏi sự ngộ nhận bản thân và đến với bóng đá bằng tình yêu thật sự. Trước đây, họ đổ tiền vào bóng đá để kiếm lời từ những mục tiêu ngoài bóng đá, thì nay, hoàn toàn có thể kiếm lời từ bóng đá, như cách mà rất nhiều CLB trên thế giới đang làm.

Vấn đề là có dám “làm bóng đá thật”, giống như việc họ ồ ạt nhảy vào làm bóng đá hơn 10 năm trước hay không mà thôi.