Ngộ độc thực phẩm nguy hiểm với phụ nữ mang thai

ANTĐ - Hỏi: Tôi mang bầu 2 tháng nên rất lo vấn đề ngộ độc thực phẩm, nhất là trong tình trạng mất ATVSTP như hiện nay. Xin hỏi bác sĩ có cách nào phòng tránh không và nếu bị ngộ độc thì xử lý như thế nào?

Trả lời: Ở người bình thường, ngộ độc thức ăn vốn đã nguy hiểm nhưng với mẹ bầu sự nguy hiểm này càng tăng gấp bội, nếu nặng có thể dẫn đến sẩy thai. Do đó, bạn cần phải chú trọng đến chuyện ăn uống để thai nhi phát triển tốt và phòng tránh những rủi ro. Biểu hiện đầu tiên của ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất là bị tiêu chảy hay đau bụng và đi ngoài ra phân lỏng. Triệu chứng này gọi là tiêu chảy lỏng hàng loạt. Ngoài ra, các triệu chứng khác không thể tránh khỏi khi bị ngộ độc thức ăn là nôn, đau bụng, sốt hoặc lạnh người, đau đầu… Một số triệu chứng nặng hơn như nhức mỏi toàn thân, mê sảng, co giật…

Mẹ bầu bị ngộ độc thực phẩm sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiệm trọng, mệt mỏi và mất sức. Chưa kể, sự suy yếu về sức khỏe có thể khiến mẹ bầu rơi vào trầm cảm, bi quan... Với thai nhi, ngộ độc thực phẩm gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Tùy vào độc tính của thực phẩm gây ra cho cơ thể và tùy thuộc vào tuổi thai mà mức độ đe dọa đến sức khỏe thai nhi cũng khác nhau. Đó có thể là dọa sảy thai, hay thai chết lưu. Thường trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, nếu mẹ bầu bị ngộ độc thức ăn, thai nhi có thể chậm phát triển, sinh non hay tệ nhất là chết lưu.

Khi phát hiện ra những dấu hiệu bất thường ở cơ thể cho thấy bạn đã bị ngộ độc thực phẩm ngay lập tức bạn nên tìm cách nôn ói hết lượng thực phẩm gây ngộ độc đã ăn vào. Điều này ngăn cản sự hấp thụ chất độc vào ruột và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Để thực hiện được việc này, bạn nên đưa ngón tay vào cổ họng để kích thích nôn ói. Sau khi nôn ói bước đầu, bạn  nên nhanh chóng đến bác sĩ để được can thiệp kịp thời. Trong trường hợp thai nhi bị tác động đáng kể và có các dấu hiệu như dọa sảy thai, dọa sinh non mẹ bầu sẽ được chăm sóc thai riêng biệt và cẩn thận.

Cách phòng tránh tốt nhất là bạn nên: Luôn rửa sạch sẽ trái cây và các loại rau ăn sống, nên rửa và ngâm nước muối kỹ càng. Nên ăn thức ăn đã nấu chín kỹ, đặc biệt là các thực phẩm như thịt, cá. Nên tránh ăn các thức ăn như gỏi sống hay nem chua.  Khi chọn lựa thực phẩm mẹ nên chọn hàng tươi ngon và có xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng. Cuối cùng khi tiếp xúc với động vật, gia cầm thì nên rửa sạch tay vì đây là những động vật có khả năng lây nhiễm cao các loại vi khuẩn, virus.