Nghiên cứu xây dựng dự án Luật Phòng chống mại dâm

ANTD.VN - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục bằng việc sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như phòng chống mua bán người, ma túy và HIV/AIDS.

Thống kê của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, giai đoạn 2016-2020, tệ nạn mại dâm ở nước ta đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi.

Cụ thể, số tụ điểm mại dâm công cộng giảm mạnh, nhiều địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng gái mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng; giảm số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke...), giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; ngăn chặn, giảm số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em, người chưa thành niên.

Theo rà soát của các cơ quan chức năng, tính đến tháng 9-2019, toàn quốc hiện có 91.026 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, trong đó 44.722 cơ sở lưu trú, 17.015 nhà hàng, karaoke và mát xa, 531 vũ trường và các loại hình khác (quán bia, cắt tóc, gội đầu, quán cafe…).

Số người bán dâm theo thống kê ước tính của các tỉnh, thành phố là 11.639 người. Tuy nhiên, số thực tế có thể lớn hơn gấp nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó khăn trong việc nắm bắt, thống kê.

Thời gian qua, công tác phòng, chống mại dâm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng chưa vững chắc, tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận.

Các khó khăn, thách thức trên là do khuôn khổ pháp lý về phòng, chống mại dâm của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục với việc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013.

Một số quy định của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm hiện hành tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống mại dâm nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung trong điều kiện mới, nhất là các quy định liên quan đến người bán dâm.

Để giải quyết những bất cập trên,trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổ chức rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống mại dâm.

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến việc xây dựng hoạt động can thiệp giảm hại, phòng, chống HIV/AIDS và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; Nghiên cứu, xây dựng dự án Luật về phòng ngừa mại dâm, đảm bảo tính nhất quán và tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác này.