Sẽ thí điểm tại 2 nút giao thông:

Nghiên cứu xây cầu vượt lắp ghép

ANTĐ - Hà Nội sẽ xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho xe tải dưới 3 tấn và xe máy nhằm hạn chế tình trạng ách tắc giao thông hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ còn tương đối mới mẻ, nhiều chuyên gia băn khoăn, liệu có đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ngoài cầu đường bộ, Hà Nội sẽ có thêm các cầu vượt cho xe máy, ô tô nhỏ

Dự kiến trong tháng 10, đầu tháng 11, thiết kế chi tiết cho 2 cầu vượt lắp ghép ở 2 nút Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Thái Hà - Tây Sơn sẽ trình UBND TP phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua.


150 tỷ đồng cho 1 cầu vượt lắp ghép

Dự án của nhóm nghiên cứu trường ĐH GTVT Hà Nội đưa ra, có hai phương án cho phần kết cấu móng là sử dụng móng cọc bê tông cốt thép và móng cọc vít. PGS.TS Phạm Huy Khang, thành viên nhóm xây dựng đề án cho biết, phương án làm móng cọc vít kinh phí đắt hơn nhưng thi công nhanh hơn, nếu không sử dụng có thể tháo ra để di chuyển đi nơi khác. Chiều dài cầu từ 250-300m, bề ngang là 12m đủ cho 4 làn xe. Ước tính kinh phí mỗi cầu khoảng 150 tỷ đồng. “Do tính chất là cầu tạm, nên trong thời gian 4 tháng có thể vừa thiết kế vừa thi công xong”, PGS. Khang cho biết.

Chưa đồng tình với thiết kế này, Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng - Bộ GTVT Nguyễn Văn Hồng cho rằng, chiều rộng mỗi làn xe trên cầu nên dừng lại ở 2,4m, vì cầu chỉ thiết kế cho xe con, xe tải nhẹ và xe máy. Chiều rộng cầu nên dừng lại ở 9-10m. Đồng quan điểm này, ông Phạm Hữu Sơn, Giám đốc Trung tâm tư vấn GTVT cho biết,  xe đi vào nội đô tập trung ở các nút giao thông nằm trong và sau vành đai 2, xe tải lớn, xe buýt không sử dụng cầu vượt này. Giải pháp kết cấu thi công trong phố phải đảm bảo tính chất lắp ráp tại xưởng công trường trong thời gian ngắn nhất mà vẫn đảm bảo giao thông hàng ngày. “Công trình này không nhằm giải quyết triệt để ùn tắc giao thông. Nếu đưa cầu rộng 12m vào các nút ngã tư trên, sẽ dẫn đến nguy cơ tắc toàn bộ tuyến ra vào cửa ngõ”, ông Sơn nói.

Dẫn chứng, hiện đường Tây Sơn mặt cắt ngang từ 32-35m, vỉa hè từ 3-6m, hai làn xe chạy bên dưới phải đảm bảo 9m, nếu nhỏ hơn sẽ ùn tắc. Bởi vậy, ông Sơn cho rằng, chiều rộng cầu chỉ nên dừng ở 7-7,5m. Nếu trong trường hợp các phương tiện qua cầu đông, có thể áp dụng phương án, buổi sáng chỉ cho xe vào nội đô theo cầu, buổi chiều có thể áp dụng 2 làn ra vào.

Phải tổ chức lại giao thông khi có cầu

Mức kinh phí mà Trung tâm tư vấn GTVT đưa ra thấp hơn so với mức của nhóm nghiên cứu trường ĐH GTVT. Theo đó, giá thành 1m2 cầu từ 36-40 triệu đồng, tính ra mỗi cầu vượt lắp ghép hết khoảng 50-60 tỷ đồng. Thời gian thi công phần dưới mất khoảng 2 tháng, làm từ 22h đêm tới 5h sáng, phần trên 1 tháng. Về độ dốc lên xuống hai bên cầu, ông Sơn cho rằng, đây vẫn là các điểm tiềm ẩn tắc nghẽn, xe có thể xếp hàng trên cầu, có thêm yếu tố xe máy, nếu để độ dốc 8% rất nguy hiểm cho xe dừng đỗ. Do đó, độ dốc nên dừng lại ở mức 5-6%, như độ dốc lên cầu Chương Dương cũng chỉ 5,2%. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng lại cho rằng, với độ dốc hai bên cầu từ 6-8% không phải là vấn đề lớn cho xe máy. Ông Hùng lấy ví dụ, nếu đèo 2 người trên xe máy 50cc, lên cầu Thăng Long chỉ vào số 2, không cần lấy đà vẫn leo lên bình thường. Còn xe tay ga thì chỉ cần kéo ga một chút. Hơn nữa, hiện trong TP, tỷ lệ người sử dụng xe máy 50cc là rất ít. Quy mô chiều rộng cầu, ông Hùng cho rằng, trên cơ sở hiện trạng của các tuyến đường để quyết định. “Tùy vị trí có thể mở rộng quy mô cầu từ 7-9m, dài từ 300-350m; có thể dùng thép hoặc bê tông liên hợp, và nghiên cứu 2 loại trục ở giữa dải phân cách hoặc 2 làn 2 bên. Nếu sử dụng cọc ép bê tông cũng không gây ồn ào, chỉ tương đương với móng nhà 5 tầng”, Thứ trưởng Hùng nêu ý kiến.

Tuy nhiên, quy mô cầu cũng như kết cấu không phải là vấn đề đáng lo ngại, mà khó khăn hơn là, xây dựng cầu vượt xong phải tổ chức giao thông,  nếu không sẽ gây ùn tắc cục bộ. Thứ trưởng Hùng phân tích, từ Cát Linh tới Láng Hạ thoát ra Lê Văn Lương kéo dài phải có thêm nút Giảng Võ. Nếu ùn tắc ở Giảng Võ thì còn khổ hơn là chưa làm cầu vượt nút Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà. 

Cốt mặt đường Giảng Võ cao hơn Láng Hạ 1m, cốt đường Đê La Thành cao hơn Giảng Võ 2m. Do vậy, nếu làm cầu vượt qua nút này phải hạ độ cao đường Đê La Thành xuống. Ông Hùng nói: “Các bên thiết kế, tư vấn cần bổ sung cầu vượt lắp ghép cho nút Giảng Võ - Đê La Thành. Nếu không, giải quyết ùn tắc ở 2 nút trên thì sẽ ách tắc ở đây. Phải thông một mạch đến vành đai 3. Thêm vào đó, xây cầu vượt Láng Hạ - Thái Hà mà không xử lý ở Ô Chợ Dừa thì tại đây cũng có thể ùn tắc”.

“Vấn đề xây dựng cầu vượt lắp ghép đã được bàn không dưới 20 lần. Bởi, đây không phải là phương án dễ triển khai do cơ sở hạ tầng chúng ta chưa đáp ứng, trong khi cũng phải tính toán đến kinh phí. Song, dù làm theo phương án nào cũng phải đạt được sự đồng thuận từ lãnh đạo tới người dân. Trong tháng 10, nhóm nghiên cứu trường ĐH GTVT sẽ hoàn chỉnh thiết kế cụ thể để trình TP phê duyệt và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua. Hà Nội dự kiến sẽ xây 9 cầu vượt lắp ghép”, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc  Sở GTVT cho biết.